Giáo dục mầm non sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: Cơ bản hoàn thành các mục tiêu
(ĐCSVN) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục mầm non của nước ta đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi.
Hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, xác định mục tiêu của giáo dục mầm non: “giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.”
Thực tiễn cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục mầm non của nước ta đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục mầm non của nước ta đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi. Ảnh: TL |
Mạng lưới trường, lớp mầm non không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển đa dạng các loại hình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giáo dục mầm non của người dân. Đến nay, cả nước hiện có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non, với 19.398 điểm trường (tăng 1.207 cơ sở giáo dục mầm non hay 6,6% so với năm học 2013- 2014), trong đó, có 3.224 cơ sở giáo dục ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 21,1% và tăng 1.497 cơ sở giáo dục mầm non so với năm học 2013 - 2014), quy mô 4.985.558 trẻ (tăng 758.511 trẻ em so với năm học 2013 - 2014); và có 1.076.714 trẻ ngoài công lập (tăng 474.259 trẻ so với năm học 2013 - 2014). Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi và 4 - 5 tuổi tăng dần hằng năm, trong đó tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 32,1% (tăng 7,7% so với năm học 2013 - 2014), tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1% (tăng 6,0% so với năm học 2013 - 2014).
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non dần được quy chuẩn và đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9% (tăng 29,3% so với năm học 2013 - 2014). Năm 2017, cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non từng bước được nâng cao, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho trẻ em 5 tuổi vào học lớp 1 và học tập tốt ở các cấp học tiếp theo. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99,7%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non duy trì trên 99,7% và hằng năm 99,9% trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Đây là yếu tố quan trọng khẳng định tầm quan trọng của sự cần thiết đổi mới chương trình giáo dục mầm non trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, giúp cho trẻ hình thành những kỹ năng tự lập, khả năng diễn đạt, sẵn sàng vào học tiểu học .
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non tăng mạnh về số lượng, chất lượng, cơ bản đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp phù hợp với quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Hiện nay, cả nước có 378.381 giáo viên mầm non (tăng 96.914 giáo viên so với năm học 2013 - 2014), tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo là 98,3% (tăng 10,6% so với năm học trước và giảm 9,1% so với năm học 2013 - 2014, do thực hiện chuẩn giáo viên mầm non theo Luật Giáo dục 2019). Những năm gần đây, bên cạnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ giáo viên mầm non với nhiều chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập như: phụ cấp thâm niên nhà giáo ; phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy các cấp học, môn học, đối tượng dạy học theo các mức từ 25% - 70%; phụ cấp vùng miền.
Công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển loại hình trường, lớp, các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ em mầm non, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phát triển chương trình giáo dục mầm non chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Mạng lưới trường, lớp mầm non còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô
Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, mặc dù đã có nhiều chuyến biến tích cực cả về số lượng, chất lượng song giáo dục mầm non cũng còn tồn tại, hạn chế như sau:
Một là, mạng lưới trường, lớp mầm non còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tại các thành phố lớn, các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sông nước, hải đảo, biên giới còn thiếu nhiều trường, lớp, thiếu công trình vệ sinh và trang thiết bị học tập, giảng dạy. Ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa giành đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non.
Hai là, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật còn hạn chế. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ có nơi chưa bảo đảm theo yêu cầu, hoạt động giáo dục thể chất ít được chú ý, trẻ em 5 tuổi các vùng khó khăn chưa được chuẩn bị tốt các điều kiện (tiếng Việt, kỹ năng, thể lực, tâm lý…) sẵn sàng vào học lớp 1. Nội dung chương trình giáo dục mầm non mặc dù được bổ sung, sửa đổi, song chưa kịp thời cập nhật với xu thế phát triển của xã hội và các kỹ năng cần có của trẻ trong xã hội hiện đại. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp. Tình trạng mất an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập vẫn tái diễn ở nhiều địa phương, gây dư luận không tốt.
Ba là, mầm non còn thiếu 51.955 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở nhiều địa phương tỷ lệ còn thấp. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/lớp ở vùng núi cao, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung rất thấp. Chế độ lương và các thu nhập khác của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp, thời gian làm việc trên lớp thường kéo dài từ 09 đến 10 giờ/ngày. Công tác quản lý giáo dục mầm non khu vực ngoài công lập còn hạn chế, nhất là đối với lớp, nhóm trẻ độc lập tư thục ở gần khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề bạo hành trẻ cá biệt vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục mầm non gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Bốn là, so với mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục mầm non chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mầm non trước năm 2020.
Năm là, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn chưa được coi trọng đúng mức.
Cần tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Ảnh: TL |
Tích cực đổi mới chương trình giáo dục mầm non hội nhập và hợp tác quốc tế
Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội”. Định hướng đổi mới giáo dục mầm non trong giai đoạn mới cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, giáo dục mầm non trong giai đoạn mới cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào tiểu học ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông. Vì theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em được đi học mẫu giáo liên tục từ 3 đến 5 tuổi có lợi thế nhiều hơn cho mức độ sẵn sàng đi học của trẻ và có tỷ lệ thiếu hụt thấp hơn trẻ không được đi học liên tục từ 3 đến 5 tuổi, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung.
Thứ hai, tích cực đổi mới chương trình giáo dục mầm non hội nhập và hợp tác quốc tế, áp dụng sáng tạo các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình của các quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế trong công tác giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non cần tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để thiết kế một hệ thống giáo dục mầm non mở, liên thông về chương trình, nội dung, tiêu chuẩn đánh giá với giáo dục phổ thông. Phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thông qua các phương pháp dạy học tốt hơn; quan tâm bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em.
Thứ ba, đội ngũ giáo viên mầm non cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ ươm mầm xanh cho đất nước, chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ em. Đội ngũ những người làm công tác giáo dục mầm non cần phải thi đua học tập tấm gương yêu trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất mà nhà trường và gia đình có được để giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển nhân cách con người mới. Mỗi cô giáo mầm non cần phải học phải đi đôi với hành, lời nói đi đôi với việc làm, mẫu mực trong công việc, trong lời ăn tiếng nói để làm gương cho trẻ.
Thứ tư, đa dạng các hình thức vận động, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em về ý nghĩa, tầm quan trọng của trẻ em, những mầm non, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục về mọi mặt, sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt là mục đích, ý nghĩa của việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trong thời gian tới, đây là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ, cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ bước vào lớp 1, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tạo động lực cho sự phát triển, đưa đất nước tiến tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây chính là sứ mệnh vẻ vang “vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng và đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục mầm non. Tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, để giáo dục mầm non ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương, xây dựng xã hội học tập.
Trẻ em là tương lai của đất nước, dân tộc và thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng, mong mỏi “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, chúng ta cần quan tâm, yêu thương chăm sóc, giáo dục trẻ em, những mầm xanh tương lai của đất nước và những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa sẽ mãi là bài học, định hướng, kim chỉ nam để các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục mầm non, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước./.