Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm ở chương trình phổ thông mới được dạy thế nào?

Thứ Hai, 18/03/2019 17:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giáo dục công dân (GDCD) và Hoạt động trải nghiệm là môn học và hoạt động giáo dục được nhiều phụ huynh và dư luận xã hội quan tâm khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Chiều 18/3, tại Hà Nội, Báo Giáo dục thời đại tổ chức Giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu môn Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm trong chương trình GDPT mới”

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa (bên trái) - Chủ biên Chương trình hoạt động trải nghiệm. (Ảnh: Minh Phong)

Chương trình GDCD mới được xây dựng theo hướng mở

Chia sẻ về môn GDCD trong Chương trình giáo dục phổ thông mới có những điểm gì khác biệt so với  chương trình hiện hành, PGS.TS Đào Đức Doãn – Chủ biên Chương trình môn GDCD cho hay, chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Chương trình mới được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, không nhằm mục tiêu truyền thụ kiến thức, mà nhằm mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Định hướng này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.

Tên môn GDCD ở cấp tiểu học là môn Đạo đức, ở cấp THCS là môn GDCD, ở cấp THPT là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Mặt khác, chương trình hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh, việc định hướng nghề nghiệp chưa được xác định rõ ràng. Chương trình GDCD mới phân biệt rõ 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), môn Đạo đức ở tiểu học và GDCD ở THCS là những môn học bắt buộc, bảo đảm cho tất cả học sinh được giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng nhằm hình thành thói quen, nề nếp học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học lựa chọn, dành cho những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề: Giáo dục Thể chất, GDCD, Kinh tế, Pháp luật, Hành chính, Quân đội, Công an,… hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học.

Một sự khác biệt nữa là thời lượng dành cho Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT tương đương với các môn KHTN (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và các môn KHXH khác (Lịch sử, Địa lí).

Chương trình môn GDCD mới được xây dựng theo hướng mở. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt và nội dung giáo dục cơ bản, cốt lõi, bắt buộc cho học sinh toàn quốc, các tác giả SGK và giáo viên được chủ động lựa chọn, bổ sung nội dung giáo dục, kế hoạch dạy học trong quá trình thực hiện chương trình.

Hoạt động trải nghiệm tăng tính thực tiễn

Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường là vô cùng quan trọng, nhưng hiện nay thực sự công tác này còn rất yếu, theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm, Chương trình GDCD mới lần này chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Điều này cũng nói lên tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp.

Định hướng nghề nghiệp sẽ được thực hiện trong tất cả các môn học và trong cả hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Riêng trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chương trình sẽ giúp học sinh tìm hiểu các nghề nghiệp từ truyền thống, địa phương, hiện đại...; tìm hiểu phẩm chất, năng lực cần có của người lao động. Chương trình còn giúp học sinh khám phá những phẩm chất, năng lực sở trường; những hứng thú nghề nghiệp và có những định hướng để giúp học sinh rèn luyện những phẩm chất, năng lực tương ứng với nghề nghiệp mà các em mong muốn.

Để thực hiện điều này, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng gợi ý một số hình thức tổ chức như: trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp trong các làng nghề, trong các cơ quan, tổ chức; tự rèn luyện bằng cách xây dựng kế hoạch, lập kế hoạch phát triển bản thân... và rất nhiều các hoạt động khác để phát triển sự tự tin, năng động, tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm...

“Định hướng nghề nghiệp trong chương trình Hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ tiểu học chứ không phải đến tận giai đoạn định hướng nghề nghiệp mới thực hiện” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN