Giảm tỷ lệ sở hữu có ngăn chặn được thao túng ngân hàng?
(ĐCSVN) – Vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở công tác quản trị. Để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác minh được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Và điều tiên quyết là cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý về quản trị nhằm xác định cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) (Ảnh: thanhnien.vn) |
Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị cơ quan điều tra cáo buộc lũng đoạn ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), vấn đề ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng trở nên nóng hơn bao giờ hết
Tại phiên thảo luận về việc tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Quốc hội đã có phiên thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật này, trong đó, vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm là làm sao ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, tránh những hệ lụy không đáng có như vụ việc tại ngân hàng SCB.
Cụ thể, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và “người liên quan” cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%). Cho phép giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm…
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho rằng, sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là một, là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Do đó, nếu chỉ dùng các công cụ như Dự thảo Luật đang thiết kế, chẳng hạn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần; giảm hạn mức cấp tín dụng thì hiệu quả sẽ không cao. Vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở công tác quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác minh được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.
Theo đề xuất của đại biểu Trịnh Xuân An, có hai giải pháp cụ thể sau: Thứ nhất, tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại đều phải minh bạch thông tin. Quy định rõ, phù hợp thực tế về nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông và người có liên quan dựa trên số lượng sở hữu cổ phần cụ thể. Thứ hai, kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền góp vốn vào các tổ chức tín dụng thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Chia sẻ qua điểm của mình, đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang đề nghị, bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo, giải trình của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, công bố mỗi năm một lần. Chính những công bố của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho nhân dân và các doanh nghiệp trong nền kinh tế biết được thông tin. Từ đó có thể có những thông tin để phản biện lại. Trong mọi trường hợp, nếu việc giám sát hoạt động kinh tế mà dựa vào nhân dân sẽ rất hiệu quả…
Trong góp ý gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế tỷ lệ sở hữu tối đa hiện hành tại Việt Nam tương đối thấp so với nhiều nước. Tỷ lệ sở hữu hiện nay không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Nếu giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư xuống quá thấp sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động quản trị ngân hàng. Bởi đầu tư vào ngân hàng không nhiều nên các cổ đông không thực sự gắn bó với việc kinh doanh của ngân hàng. Thực tế, các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, tỷ lệ sở hữu ngân hàng đối với nhà đầu tư tổ chức, cá nhân và người có liên quan như hiện tại là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí, nhiều quốc gia còn chấp nhận tỷ lệ sở hữu cao hơn Việt Nam.
Ông Đức nhấn mạnh, nếu minh bạch, tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề. Điều này có thể thấy rõ từ vụ SCB. Theo kết luận của cơ quan điều tra bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ ngân hàng này nếu nhìn vào sổ sách. Nhưng bằng cách nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ, bà Lan nắm tới 91% cổ phần của ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, tỷ lệ sở hữu chỉ mang tính công khai. Vấn đề mà chúng ta cần quan tâm hơn đó là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản trị ngân hàng cũng như là kiểm tra thực tế các phần vốn góp của những bên liên quan cũng như của những nhóm lợi ích. Từ đó chúng ta mới có thể tránh tình trạng khống chế cũng như là đưa ra các quyết định mang tính chủ quan của một nhóm lợi ích vì mục tiêu của họ.
Tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đồng ý rằng để xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng thì mấu chốt nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Để ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ thì lại đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành khác và các địa phương. Đặc biệt, phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để xác thực được là họ là ai và họ có liên quan như thế nào tới tổ chức tín dụng.
Ngoài việc chú trọng đến hoạt động thanh tra, giám sát để ngăn chặn sự chi phối ngân hàng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, quy định tại Khoản 36, Điều 4 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về “người có liên quan” chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Chứng khoán 2019. Sự thiếu đồng bộ giữa các luật sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động, đặc biệt là việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán 2019. Đặc biệt, quy định khái niệm “người có liên quan” trong Dự thảo Luật là rộng, do đó, đề nghị giữ nguyên định nghĩa “người có liên quan” của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành. Trường hợp có thay đổi khái niệm và cần mở rộng khái niệm như Dự thảo thì cần quy định rõ khi nào phải chịu trách nhiệm và khi nào được miễn trách nhiệm của “người có liên quan”.
Đối với quy định về hạn mức cấp tín dụng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, thời gian qua, các tổ chức tín dụng có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng hoặc cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp sân sau hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp sân sau. Do vậy, cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng lớn. Tuy nhiên, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với hiện tại là 15% và 25% sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, và chắc chắn hoạt động của các đơn vị này sẽ gặp khó khăn.
Thiết nghĩ, để kiểm soát được hoạt động sở hữu chéo, chi phối, lũng đoạn ngân hàng, vai trò và trách nhiệm của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng là đặc biệt quan trọng. Bộ phận này phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành chứ không phải chỉ là những người thực hiện theo yêu cầu của các ông chủ ngân hàng. Đây là giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước nên tăng cường trong thời gian tới và cả trong việc luật hóa cụ thể để làm giảm, tiến tới ngăn chặn tình trạng thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng./.