Giảm thuế giá trị gia tăng “tiếp sức” cho nền kinh tế
(ĐCSVN) - Đợt giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022 đã mang lại hiệu quả tích cực là một trong những giải pháp “tiếp sức” cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Theo các chuyên gia, đây là chính sách hỗ trợ thiết thực để cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng, trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn.
Mặc dù NSNN bị hụt thu do cắt giảm 2% thuế GTGT, nhưng việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng (Ảnh: M.P) |
Doanh nghiệp thêm nguồn lực
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn An Khánh (Thái Nguyên) chia sẻ, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, quyết định của Chính phủ triển khai lúc này rất là kịp thời vì giúp doanh nghiệp giảm ngay được từ đầu vào, đầu vào giảm thì sản phẩm đầu ra cũng rất thuận lợi giúp cho doanh nghiệp có tích lũy và mở rộng sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, với việc được giảm thuế GTGT đầu vào, người bán sẽ có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ từ đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện.
Công ty cổ phần Prime Yên Bình (Vĩnh Phúc) là doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Năm ngoái nhờ việc giảm thuế GTGT, doanh nghiệp đã tiết kiệm chi phí gần 2,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh năm nay khi đơn hàng sụt giảm, nếu chính sách giảm thuế GTGT tiếp tục được thực hiện, số tiền này tuy không phải là lớn những sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho hơn 240 lao động.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Prime Yên Bình cho biết, nhờ có nguồn tiền này, công ty đã đầu tư vào cải tiến thiết bị, từ đó giảm chi phí giá thành sản phẩm. Kết quả trong năm 2022 công ty đã nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng. Cùng với đó khi thuế GTGT giảm thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ hạ, khả năng mua và sử dụng tăng lên thì sản lượng cũng sẽ ổn định. Đây chính là ảnh hưởng trực tiếp của sắc thuế này mang lại.
Tác động lan toả thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong quý I/2023, sự suy giảm chung của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,32%. Dự báo những tháng tới đây, cả quý II, thậm chí quý III/2023 khó khăn của các họat động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt những lĩnh vực dịch vụ mặc dù đã có sự phục hồi nhưng chưa phản ánh hết được những khó khăn của các hộ kinh doanh, hay người bán hàng dịch vụ. Các hoạt động liên quan đến ăn uống, mua sắm, giải trí ngoài trời chưa đạt được mức tiềm năng, cũng như chưa phục hồi lại mức giống như thời kỳ trước dịch bệnh COVID-19”.
Vì vậy, theo TS Nguyễn Quốc Việt, việc giảm 2% thuế GTGT là chính sách rất kịp thời, chia sẻ phần nào khó khăn tới người lao động, từ đó kích thích người dân tiếp tục mua sắm, sử dụng hàng hóa, đặc biệt hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) nhận định: Giải pháp giảm 2% thuế GTGT có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, đặc biệt tác động lan tỏa của giải pháp này rất lớn, đem đến sự phục hồi nhanh hơn cho doanh nghiệp.
Mặc dù, NSNN bị hụt thu do cắt giảm 2% thuế GTGT, nhưng việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, sẽ giảm bớt áp lực từ ngân sách chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người dân nói chung và người lao động nói riêng.
“Hiệu quả của giải pháp giảm 2% thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan toả đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8%”, TS Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Khi chính sách giảm thuế GTGT đi vào thực thi có vai trò quan trọng góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm (Ảnh: M.P) |
Dưới góc độ của hiệp hội, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, chính sách gia hạn thuế có tác dụng chủ yếu là hỗ trợ tổng cung, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Động thái giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các mặt hàng (như áp dụng với Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội), là sự hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu, giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, khi chính sách này đi vào thực thi có vai trò quan trọng góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó người dân được hưởng lợi. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì giảm để mà tăng vì khi giảm thì người dân có động lực để chi tiêu nhiều hơn, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra sôi nổi hơn, Thì như vậy, khi mà các hoạt động kinh tế được thúc đẩy, được phát triển hơn thì họ lại đóng thuế.
Thực tế, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế GTGT được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế chính là nuôi dưỡng nguồn thu./.