Giảm thiểu hệ luỵ do điều tra phòng vệ thương mại
(ĐCSVN) - Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn, hàng Việt có cơ hội xâm nhập vào nhiều thị trường. Tuy nhiên, đại diện các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài lưu ý, ngoài việc bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn riêng của từng thị trường về chất lượng, quy trình sản xuất… thì doanh nghiệp cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại có thể bị áp dụng.
Thép là một mặt hàng thường xuyên có liên quan đến các vụ việc phòng vệ thương mại. (Ảnh: M.P) |
Gia tăng số vụ việc phòng vệ thương mại
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 3/7/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Kết luận nêu rõ, DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 31,58% (trừ một công ty bị áp dụng thuế suất riêng là 90,42%). Mức thuế này không thay đổi so với mức thuế hiện hành.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, vụ việc được DOC thông báo khởi xướng từ ngày 3/4/2023 và không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo, các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế chống trợ cấp riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chung là 31,58%
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (33 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc).
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép
Là một quốc gia chủ động và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập, Việt Nam tiếp tục là một thành viên có trách nhiệm của WTO và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Tính đến nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Bộ Công Thương, mặc dù WTO và các Hiệp định thương mại tự do đều hướng đến mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, nhưng thực tế vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của ta đang trên đà tăng trưởng mạnh đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các nước này.
Cần có cảnh báo sớm
Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Trịnh Anh Tuấn các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với ta như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến tỷ USD.
Trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi thương mại mở ra, cơ hội hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tăng lên. Câu chuyện quan trọng ở đây là khi doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu thì cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó. Chính doanh nghiệp phải xây dựng được tâm lý thích ứng để tự chủ.
Từng chia sẻ với báo giới ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói Việt Nam tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Song đi đôi với cơ hội cũng kèm theo thách thức, đó là số lượng các vụ việc về điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua.
Do đó, để tiếp tục thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thích ứng với các biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các xu thế mới. Điển hình như xu thế kinh tế xanh.
Ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp…
Trong bối cảnh các FTA tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết, phòng vệ thương mại sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hoá trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn. Thiết nghĩ, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại. Hơn nữa không chỉ chủ động ứng phó khi vụ việc xảy ra mà có thể xây dựng các lộ trình phát triển, xuất khẩu phù hợp, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại trong tương lai./