Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giám sát trọng điểm lồng ghép COVID-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp

Thứ Sáu, 15/12/2023 17:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kết quả 10 năm giám sát hội chứng cúm tại Việt Nam cho thấy, các virus cúm lưu hành quanh năm với tỉ lệ mắc cúm hàng năm khoảng 21%; trong đó khoảng 39,2% là cúm B, 31,1 % là cúm A/H3 và 29,7% là cúm A/H1N1.

Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 15/12, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng tổ chức Hội thảo cập nhật hướng dẫn quốc gia về giám sát trọng điểm lồng ghép COVID-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp; đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh năm 2023.

Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu khai mạc.
Ảnh: TL. 

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng thông tin: Tại Việt Nam, giám sát trọng điểm được thực hiện từ năm 2005 với giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP) và từ năm 2006 với giám sát hội chứng cúm (ILI) nhằm phát hiện sớm các tác nhân đường hô hấp mới có thể lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao để kịp thời đáp ứng với các đợt bùng phát dịch. Kết quả 10 năm giám sát hội chứng cúm tại Việt Nam, cho thấy các vi rút cúm lưu hành quanh năm  với tỉ lệ mắc cúm hàng năm khoảng 21%; trong đó khoảng 39,2% là cúm B, 31,1 % là cúm A/H3 và 29,7% là cúm A/H1N1.

COVID-19 bắt đầu ghi nhận tại Việt Nam đầu năm 2020; trải qua 04 đợt bùng phát dịch, Việt Nam đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 nghìn trường hợp tử vong; hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022. Mặc dù COVID-19 đã lây lan trong cộng đồng tuy nhiên hầu hết các trường hợp mắc bệnh có triệu chứng nhẹ, giống cúm nên khó phát hiện với phương pháp giám sát hiện tại. Số mắc và tử vong do COVID-19 tại Việt Nam hiện đã giảm sâu và từ 20/10/2023, COVID-19 đã được chuyển phân loại sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và thực hiện quản lý bền vững với COVID-19.

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TL.

Trên cơ sở chiến lược và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Cục Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn và kế hoạch triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép COVID-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp để phát hiện sớm các tác nhân mới, bao gồm các biến thể mới của SARS-CoV 2 và giám sát sự thay đổi về khả năng lây lan, mức độ tăng nặng của bệnh.

Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và trình ban hành hướng dẫn và kế hoạch triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép COVID-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp để đảm bảo việc duy trì triển khai giám sát liên tục, thống nhất và làm cơ sở cho công tác dự báo, lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh…/.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN