Giảm áp lực ùn tắc giao thông ngày cận Tết
(ĐCSVN) – Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đặc biệt là những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều độc giả cho rằng các cơ quan chức năng có liên quan cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông sao cho hợp lý; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tùn tắc, không để phát sinh ùn tắc kéo dài.
Những ngày cuối năm là thời điểm áp lực giao thông trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, nhất là tại khu vực cửa ngõ Thủ đô gia tăng mạnh do nhu cầu đi lại của người dân cao gấp nhiều lần. Việc sớm có phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu là điều thực sự cần thiết, nhằm giảm bớt áp lực, khó khăn trong đi lại cho người dân.
Cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong triển khai các giải pháp nhằm giảm áp lực ùn tắc giao thông ngày cận Tết Nguyên đán. (Ảnh: Lê Hoàn) |
Ông Đỗ Đuy Thông, quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết, như thường thấy, dịp cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa dồn về Thủ đô khiến hạ tầng giao thông quá tải. Tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Tại một số tuyến đường vào trung tâm thành phố, đường vành đai, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra phổ biến, nhất là vào các khung giờ cao điểm tại các tuyến đường nút giao thông có mật độ cao như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Lê Văn Lương, Tố Hữu … tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ xảy ra vào khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều, mà còn ở cả khung giờ buổi trưa từ 11 giờ đến 13 giờ khiến việc đi lại vô cùng khó khăn, vất vả.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tuyến đường đang rào chắn thi công, như: Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; Đào Tấn - Kim Mã... Chị Nguyễn Phương Thảo, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho biết, khung giờ cao điểm, tại một số tuyến đường tại quận Hai Bà Trưng như Thanh Nhàn, Đại La, Trương Định, Giáp Bát … các phương tiện di chuyển thật sự khó khăn, có thời điểm chỉ có thể nhích từng mét, bởi một phần do một số công trình đang thi công xây dựng phải rào chắn, làm thu hẹp đường giao thông. Đáng chú ý, theo chị Nguyễn Phương Thảo, một vấn đề cũng được xem như “căn bệnh mãn tính” tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm Thành phố, trong đó có khu vực thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng là nạn xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình, xe “rùa bò”... chạy bất cứ khung giờ nào, kể cả giờ cao điểm. Hằng ngày, xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, đi sai luồng tuyến vận tải, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của những phương tiện kế bên.
Còn theo anh Lê Hoàn, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho rằng, mặc dù, Thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng như cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; vành đai 3 dưới thấp và trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… nhằm góp phần tích cực giải bài toán ùn tắc giao thông, giảm đến mức thấp nhất áp lực giao thông cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, do lưu lượng giao thông tăng nhanh, công tác tổ chức giao thông trên một số tuyến chưa tối ưu, khiến hàng loạt điểm “đen” ùn tắc giao thông tồn tại kéo dài. Trong dịp cao điểm Tết sắp tới, đây có thể là những khu vực “nóng” nhất về giao thông, gây ùn tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình giao thông.
Do đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đặc biệt là những ngày cận Tết, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông sao cho hợp lý; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong những ngày cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới; đồng thời, lực lượng liên ngành cũng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, có chế tài đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Mặc dù áp lực công việc vô cùng lớn, nhưng nếu cơ quan chức năng sớm vào cuộc, quyết liệt giải quyết thì tình trạng ùn tắc giao thông ngày cận Tết sẽ được cải thiện, qua đó góp phần tạo điều kiện cho người tham gia giao thông bớt mệt mỏi, lo âu, để thực sự được chào đón không khí Tết đến, xuân về an toàn, bình yên./.