Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải quyết đúng chính sách đất đai sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch

Thứ Ba, 21/02/2023 18:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BL 

 Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị "Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào chiều 21/2, tại Hà Nội.

Đưa nguồn lực đất đai vào phát triển, không tạo lợi ích nhóm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân rất thiết thực, cụ thể, có nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng nêu rõ, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao...

Theo Phó Thủ tướng, Luật Đất đai có thể coi là đạo luật gốc. Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng góp phần đánh giá năng lực của cơ quan hành pháp, lập pháp và hệ thống chính trị trong việc thể chế hoá những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Cụ thể là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đóng góp ý kiến không chỉ có sự tâm huyết, trí tuệ, chuyên sâu mà còn thể hiện tinh thần dân chủ, tập thể.

Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục góp ý trực tiếp vào những điều, chương trong dự thảo Luật mà chưa thể chế hoá đầy đủ, khoa học, chặt chẽ, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; bảo đảm ngôn ngữ diễn đạt có tính đại chúng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nội dung như tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát, phân bổ, sử dụng đất đai được thiết kế trong dự thảo Luật Đất đai, cũng như khả năng giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch quốc gia, liên ngành khác nhằm tạo ra những công cụ quản lý tốt hơn, không chồng chéo.

Cùng với đó, cần chú trọng đến tính khả thi của các quy định về kinh tế đất đai, tài chính đất đai, định giá đất đai theo cơ chế thị trường. Chú trọng đến cơ chế thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư bảo đảm người dân có điều kiện sống, sinh kế tốt hơn sau tái định cư, được hưởng lợi từ các dự án trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội, chuyển dịch lao động, mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân.

Ngoài ra, cần chú trọng đến chính sách chuyển, nhượng quyền thuê đất nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển, không tạo ra lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, mỗi ý kiến đóng góp của các tổ chức, nhà khoa học cố gắng đều được tiếp thu và giải trình một cách khoa học để tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức và mọi mặt chính trị, kinh tế-xã hội...

Luật Đất đai năm 2013 đã có những mặt tích cực trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng việc sửa đổi Luật lần này cũng là nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật sau 10 năm thực hiện để bám sát với thực tiễn hơn nữa; đồng thời chống được những tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để huy động các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Để việc sửa đổi Luật Đất đai thực sự đóng góp vào sự phát triển của đất nước và khắc phục những bất cập, tồn tại, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan cần tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở nhiều chiều tại các vùng, miền đối với các vấn đề về đất đai qua nhiều kênh thông tin.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa và có sự giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BL

12 nội dung được làm rõ trong dự thảo Luật Đất đai

Tại hội nghị TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho biết, việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, đồng thời nhằm thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Theo TSKH Phan Xuân Dũng, hội nghị tập trung vào 12 nội dung có gợi ý gồm: Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Chế độ sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; chính sách đất đai đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động và các nội dung khác mà các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận tập trung vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đóng góp được nhiều ý kiến xác đáng góp phần thực hiện tốt các mục tiêu Hội nghị đã đề ra. Sau Hội nghị, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu để gửi cho Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Ban Soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật./.

 

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN