Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch
(ĐCSVN) – Các đại biểu cho rằng, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch. Trong đó, trước tiên, phải tập trung vào nhóm các trường đại học tiên phong như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội để đào tạo nhân lực tiên tiến cho ngành công nghệ vi mạch.
Tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành Thiết kế vi mạch tại ĐHQG-HCM” |
Ngày 12/7, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức Tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành Thiết kế vi mạch tại ĐHQG-HCM”, nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm thiết kế chương trình, tổ chức đào tạo, và phát triển nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch của các trường đại học có thế mạnh trong đào tạo thiết kế vi mạch khu vực châu Á; Chia sẻ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, đóng gói chip, của chính phủ, các địa phương, và các các doanh nghiệp; Hoàn thiện khung chương trình đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch của ĐHQG-HCM.
Đồng thời tọa đàm nhằm xúc tiến hợp tác giữa ĐHQG-HCM với các trường đại học, tổ chức quốc tế, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu vi mạch; thể hiện vai trò chủ động của ĐHQG-HCM trong việc tham gia thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các chuyên gia phân tích, sau đại dịch COVID-19, nền công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng để mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trên toàn cầu nhằm tránh phụ thuộc vào riêng một thị trường hay một khu vực. Các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Từ năm 2021 đến nay, một số tập đoàn lớn như AT&S (Áo), Ampe Computing (Mỹ), Marvel Techonology (Mỹ), Faraday (Đài Loan), Realtek (Đài Loan), … liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch đã đến Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh để phát triển nhà máy và phát triển quy mô đội ngũ thiết kế, nhân lực họ cần không chỉ là kỹ sư thiết kế back-end mà còn cả thiết kế kiến trúc, front-end.
Điều này làm cho nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và trước sự khan hiếm nguồn nhân lực vi mạch trong nước, ĐHQG-HCM với vai trò là 1 trong 2 hệ thống giáo dục lớn nhất Việt Nam, đi đầu trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo ở nhiều lĩnh vực, với đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm phải là nơi tiên phong trong việc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch.
PGS,TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) chia sẻ tại tọa đàm. |
Từ nhu cầu thực tiễn của xã hội và với những văn bản chủ trương của Chính phủ và định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của TP Hồ Chí Minh, ĐHQG-HCM luôn không ngừng nghiên cứu, học hỏi từ các chuyên gia, đối tác, trường đại học quốc tế để thúc đẩy phát triển ngành Thiết kế vi mạch trong các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM.
Theo GS Lee Hyuk-Jae, Trưởng khoa Khoa Điện và Kỹ thuật Máy tính, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Trong 10 năm tới cần 10.000 kỹ sư cao cấp nhưng năng lực đào tạo chỉ có thể cung ứng 5.000 kỹ sư. 10 năm tiếp theo cần 127.000 kỹ sư nhưng đào tạo chỉ cung ứng khoảng 50.000 kỹ sư. Một ví dụ khác cho thấy, Samsung hiện là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về công nghệ vi mạch nhưng hiện nay họ không thể cạnh tranh với các đối thủ khi họ chỉ có 10.000 kỹ sư trong khi các đối thủ khác có đến 30.000-40.000 kỹ sư. Chính vì vậy, nguồn nhân lực là bài toán vô cùng quan trọng và khó nhất hiện nay của Hàn Quốc.
PGS,TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) cho rằng: Hiện ở Việt Nam có một vài công ty đóng gói và test chíp nhưng tất cả đều là công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cần cho khâu này không nhiều và không đòi hỏi chuyên môn cao. Điều đó cho thấy Việt Nam chỉ có thể tham gia vào khâu thiết kế chíp trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đây là khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao cho vi mạch.
PGS,TS Mai Thanh Phong nhận định: Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để đón nhận làn sóng tái cấu trúc ngành công nghệ vi mạch của toàn cầu. Nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng đến Việt Nam và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn.
Các đại biểu nêu thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch tại Việt Nam. |
Tại tọa đàm các đại biểu cũng khẳng định: Trong các Nghị quyết của Đảng, các quyết định của Chính phủ đều xác định phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông là con đường chủ đạo, được ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch nhưng đến nay vẫn chưa có.
Trong số hơn 300 trường đại học, cao đẳng hiện chỉ có một số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo lại thiếu phòng thí nghiệm, thực hành thực tế, các trường không đủ năng lực đầu tư trang thiết bị, việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại càng hiếm…
Các đại biểu cũng cho rằng, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch. Trong đó, trước tiên, phải tập trung vào nhóm các trường đại học tiên phong như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐHQG-HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội để đào tạo nhân lực tiên tiến cho ngành công nghệ vi mạch…/.