Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS
(ĐSCVN)- Phân luồng học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngày 9/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS”. Đề tài cấp quốc gia này do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc họp. Ảnh: MT |
Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Chủ nhiệm đề tài cho biết, mặc dù được thực hiện từ lâu và đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhưng phân luồng học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa thực hiện đồng bộ, triệt để công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS. Vì vậy nghiên cứu “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS” đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề cần thiết, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cao.
Với mục tiêu xác lập luận cứ khoa học về phân luồng học sinh sau THCS từ đó đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp, đề tài tập trung nghiên cứu một số nội dung cốt lõi. Trong đó, các vấn đề về cơ sở lý luận và thực trạng, cơ hội và thách thức, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam… được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đề tài cũng xác định cơ sở tâm sinh lý, cơ sở giáo dục và cơ sở kinh tế - xã hội của phân luồng học sinh sau THCS; các yếu tố ảnh hưởng; làm rõ các mối quan hệ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh, phát triển nguồn nhân lực, cũng như nhu cầu học tập suốt đời và thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong giáo dục.
“Nhóm nghiên cứu đã đặt bài toán phân luồng học sinh sau THCS trong bối cảnh học tập suốt đời theo khung tiếp cận các kỹ năng hướng tới việc làm và năng suất nhằm phân luồng hiệu quả. Đây là cách tiếp cận tổng thể theo quan điểm học tập suốt đời, có sự chuẩn bị tốt về các kỹ năng cần thiết trước phân luồng và sau phân luồng, nhằm tạo cơ hội, động lực để người lao động nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi ngành nghề theo yêu cầu công việc, điều kiện cụ thể của cá nhân. Đây chính là điểm mới của đề tài so với các nghiên cứu trước đây”, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan nói.
Từ tháng 5/2017, nhóm nghiên cứu bắt tay vào thực hiện đề tài. Nhóm tiến hành điều tra, khảo sát trên 5 đối tượng, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ Bộ/ngành, đoàn thể, học sinh, cha mẹ học sinh, tại các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở 6 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền của Việt Nam (gồm: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Kiên Giang, Hà Nội, TP HCM).
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phân luồng học sinh sau THCS, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Một số giải pháp như: truyền thông nâng cao nhận thức; thu hút và khuyến khích học sinh tham gia học nghề; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả phân luồng học sinh.
Việc xây dựng sơ đồ phân luồng học sinh sau THCS theo định hướng của Đề án Chính phủ số 522 về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, nhằm hỗ trợ địa phương tham khảo, vận dụng để xây dựng sơ đồ riêng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng là giải pháp được đề xuất.
Ghi nhận nỗ lực và những điểm đạt được của đề tài đã được thực hiện công phu, khoa học, các thành viên Hội đồng tư vấn đã bàn thảo, đánh giá kỹ lưỡng báo cáo kết quả. Sau thời gian thảo luận đi tới thống nhất, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện tiếp một số nội dung. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn chỉnh lại cơ sở lý luận của việc phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp.
“Quan trọng nhất là phần giải pháp. Cần bổ sung những đề xuất chính sách phân cấp phù hợp, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan thực hiện việc phân luồng này nhằm tạo cơ hội để học sinh sau THCS có sự phân luồng chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Sau khi nhóm nghiên cứu hoàn thiện lại báo cáo, Hội đồng sẽ đánh giá, bỏ phiếu nghiệm thu./.