Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào thu hút người lao động trở lại trong bối cảnh đại dịch?

Thứ Ba, 23/11/2021 16:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao.

Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào đầu năm 2022

Trong năm 2021, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao. Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so quý trước và cùng kỳ.

Đặc biệt, do tác động mạnh của dịch bệnh COVID- 19 đã dẫn đến có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh, thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển).

Qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường, mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách “giữ chân” người lao động nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do đó, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 nghìn người.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Mạnh Dũng) 

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung số lượng lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất có số lượng lớn lao động từ các địa phương, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện nay, quy mô lao động để hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp từ 80%-90% tổng số lao động. Người lao động ở các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đã quay lại làm việc khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông, từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường như trước thời điểm diễn ra dịch COVID-19, dự kiến sẽ thiếu hụt lao động nhưng không ở mức trầm trọng. Song song với đó, Thành phố cũng cho phép mở lại các lĩnh vực dịch vụ thương mại phục vụ cá nhân, góp phần thu hút lao động làm việc trong khu vực phi chính thức quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Tấn cho biết, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động không yêu cầu tay nghề cao. Do đó, mức lương khởi điểm khi bắt đầu công việc chưa thể bảo đảm cuộc sống cho người lao động và những người phụ thuộc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa có các chính sách chăm lo tốt cho người lao động để yên tâm làm việc, việc làm của người lao động không ổn định nên sẽ gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động.

“Quý I/2022 vừa rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán, vừa là thời điểm hằng năm các doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động để bổ sung lực lượng lao động chuyển đổi việc làm hoặc người lao động về quê chưa quay trở lại sau Tết. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý I/2022 cần khoảng 75.000 chỗ làm việc cho việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh” – ông thông tin.

Tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông tin, trong và sau đợt dịch lần thứ tư vừa qua, số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 - 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

“Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 lao động, song khá khó khăn để có thể tuyển dụng đáp ứng nhu cầu này. Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, do tâm lý người lao động hiện còn e ngại quay trở lại làm việc vì tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn”, bà Hiền cho biết.

Theo bà, những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn là: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn như: Công ty Cổ phần Taekwang Vina cần 5.000 lao động; Công ty Chang Shin Việt Nam cần 2.000 lao động; Công ty Longwell cần 3.300 lao động…

Đẩy mạnh kết nối thông tin cung - cầu giữa người lao động và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể, cần thực hiện các chế độ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người lao động để người lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như: chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động.

Mặt khác, các doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để "giữ chân" lao động…

Để duy trì việc làm phục hồi thị trường lao động, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng các ứng dụng thu thập thông tin cung - cầu lao động có kết nối với cơ sở dữ liệu chung của quốc gia như cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký thành lập doanh nghiệp và dữ liệu thuế để nắm bắt tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của người lao động, từ đó có các chính sách ứng phó kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động.

Từ thực tế, ông nhấn mạnh, công tác kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Đối với tỉnh, thành phố cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp cần có thông tin dữ liệu về việc làm như: ngành, nghề có nhu cầu lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương thu nhập… Còn các tỉnh có lực lượng lao động quay trở về cần nắm bắt thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, mức độ sẵn sàng quay trở lại làm việc cũng như các yêu cầu đối với công việc. 

“Trên cơ sở thông tin nắm bắt sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để đưa người lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phố có tổ chức, có kiểm soát nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người lao động khi đến làm việc. Tăng cường các sàn giao dịch việc làm liên vùng để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc với các ứng viên vào các vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng”- ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, để tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc. 

Cụ thể, tỉnh triển khai việc thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua website vieclambinhduong.vn, kết nối trực tuyến người sử dụng lao động với người lao động. Doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng và cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Về phía người lao động, chỉ cần có kết nối internet trên máy tính hoặc điện thoại… là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Vẫn theo ông, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm online rất quan trọng. Bởi việc kết nối cung - cầu lao động không chỉ trong phạm vi tỉnh, mà kết nối với tất cả các tỉnh có nguồn lao động (thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh). Người lao động ở các tỉnh có nhu cầu tìm việc làm tại Bình Dương chỉ cần truy cập vào website sẽ được tiếp cận tất cả thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm; người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận, trao đổi các thông tin liên quan đến vị trí công việc cần tuyển dụng.

Để thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động Đồng Nai sau đại dịch, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng cho rằng, cần tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và lao động. Đẩy mạnh hoạt động Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ.

Các đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN