Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào thích ứng với già hoá dân số ở nước ta?

Thứ Tư, 31/07/2024 22:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước như Đức, Mỹ… quy định người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Việt Nam quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên. Còn theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo.

Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển 89 năm, Mỹ 69 năm... Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có các chính sách thích ứng tức thời, vừa trực diện vào ngay những tác động của già hóa dân số, vừa mang tính dài hơi.

 Già hóa dân số vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL)

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già,” với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số. Điều này có nghĩa chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Theo dự báo dân số, chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em; nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi thì đến năm 2036 là hơn 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người

Theo các chuyên gia, già hóa dân số là điều tất yếu xảy ra với quốc gia vừa tăng tuổi thọ nhanh lại vừa giảm mạnh tỷ lệ sinh. Đáng nói, ở Việt Nam, tuổi thọ người dân tăng nhanh, cao hơn nhiều mức tăng trung bình của thế giới. Trong 56 năm (1960-2016), tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng tới 29 năm (từ 44,4 tuổi lên 73,4 tuổi). Năm 2023, con số này là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…, tuổi thọ bình quân còn ở mức trên 76 tuổi. Dự báo, tuổi thọ sẽ tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050).

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống và đối mặt với các vấn đề sức khỏe, bệnh tật. Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 2-3 bệnh nền.

Những năm 70-80 của thế kỷ trước, phụ nữ Việt Nam sinh nhiều con và nhiều hơn tỷ suất sinh thay thế cần thiết (5 - 6 con/phụ nữ). Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng giảm và thấp nhất vào năm 2005. Đến nay, mặc dù tỷ suất sinh trung bình đã cải thiện nhưng vẫn chưa đạt tỷ suất sinh cần thiết là 2,1 con/phụ nữ. Nhiều chuyên gia đã đưa ra định, ngày càng nhiều người trẻ ở Việt Nam có suy nghĩ, trong điều kiện hiện nay, việc kết hôn, sinh con là bất tiện, gây phiền hà và không cần thiết.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia nêu ý kiến rằng cơ quan chức năng cần xây dựng thông điệp, bộ tài liệu truyền thông về chính sách dân số và phát triển để phổ biến rộng rãi trong tình hình hiện nay.

Theo các chuyên gia, một trong những hậu quả trực tiếp của sự già hóa dân số ở Việt Nam là nguy cơ thiếu hụt lao động.

Với dân số ngày càng già hóa và lượng người lao động trẻ giảm sút, sự thiếu hụt lao động đang càng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Các ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn nhân lực để duy trì, phát triển, điều này có thể dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất lao động, giảm cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, tỷ lệ người cao tuổi tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua. Năm 1999, có 19,40% người cao tuổi là nữ, 35% người cao tuổi nam làm việc thì đến năm 2020 đã tăng lên thành 38% và 46,1%. Giai đoạn 2010-2020, bình quân mỗi năm lao động là người cao tuổi tăng thêm khoảng 160.000 người, tương ứng là 4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng việc làm chung của cả nước.

Ngoài ra, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và trợ cấp xã hội. Với tình trạng tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, rõ ràng Nhà nước cần phải có các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp để đảm bảo người cao tuổi được chăm sóc tốt nhất.

Cần có chính sách, giải pháp phù hợp

Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu, từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội, nhằm ứng phó hiệu quả. Cụ thể, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người cao tuổi vay vốn ưu đãi để sản xuất-kinh doanh (Thông tư số 96/2018/TT-BTC). Người cao tuổi có thể vay vốn tín dụng ưu đãi từ 2 nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Số lượng người cao tuổi không có lương hưu càng lớn thì càng tạo nhiều áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Số người về hưu và thời gian hưởng lương hưu gia tăng đòi hỏi phải hình thành hệ thống lương hưu dài hạn đủ sống đang trở thành sức ép với các nước phát triển và đang phát triển. Do đó, vấn đề đặt ra là cần tạo mọi điều kiện kéo dài thời gian lao động cho người cao tuổi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với xu hướng già hóa dân số.

PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, chúng ta cần nhìn nhận già hóa dân số không chỉ ở mặt nguy cơ mà còn cần tiếp cận theo hướng sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho phát triển bền vững gắn liền với sự tham gia tích cực của người cao tuổi.

Với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và nguồn lực tài chính, người cao tuổi hoàn toàn có thể trở thành tác nhân, nguồn lực quan trọng trong cộng đồng để đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần hình thành các chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút, giữ chân nguồn lao động trẻ.

Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ và tự động hóa trong các ngành công nghiệp cũng là một giải pháp. Bằng cách tăng cường tự động hóa, Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào lao động trực tiếp, tăng hiệu suất lao động, giúp cân bằng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng, cho biết, già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.

Theo ông Hoàng, trong bối cảnh sự già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động, Việt Nam cần chủ động và sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã ứng phó với già hóa dân số để xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn để tăng cường tính tự chủ, độc lập, nhất là tài chính cho người cao tuổi, đồng thời tạo cho họ cơ hội, năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi để đạt đến "già hóa thành công."

Có thể nói, bằng cách thực hiện linh hoạt chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quốc gia nào chủ động thích ứng, đi trước một bước về đổi mới tư duy, ban hành cơ chế, chính sách có tính mở đường, thì sẽ phát huy được tiềm năng nguồn lực người cao tuổi, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân, "thích ứng quá trình già hoá dân số, dân số già" là một trong những chính sách lớn. Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Dân số đề nghị tiếp tục kế thừa, chỉnh sửa, bổ sung quy định "hình thành và phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi" nhưng chưa nêu rõ loại hình bảo hiểm hay nguồn đóng góp.

Hiện 65% người già, tức khoảng 10,5 triệu người, chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm nếu có, con cái, người thân chu cấp hoặc tiếp tục làm việc với thu nhập thấp. Khoảng 5% người độ tuổi 60-80 không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp, không được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung quy định xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp các vùng miền...

Điều này rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam còn khiêm tốn. Bộ Y tế thống kê chỉ 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; 957 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; chỉ gần 1.800 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.

Tuổi thọ nâng cao khiến nhu cầu tiếp tục làm việc tăng lên. Trong báo cáo, Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. 

 

Bích Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN