Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào ngăn chặn lao động cư trú bất hợp pháp?

Thứ Tư, 12/04/2023 12:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc người lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài nhưng tự ý phá bỏ hợp đồng, làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước sở tại luôn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực. Để ngăn chặn tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc của nhiều tổ chức, lực lượng có liên quan.

Nhiều hệ lụy từ việc người lao động làm việc, cư trú bất hợp pháp

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu lao động của nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng lao động đi làm ở nước ngoài và lượng kiều hối do người lao động gửi về đều tăng lên qua các năm. Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng lao động Việt Nam làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài cũng tăng lên. Điển hình là tại Hàn Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của nước ta, chỉ đứng sau Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc tại Hàn Quốc đang ở mức rất cao. Điều này cũng là lý do chính dẫn đến việc tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại các địa phương: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên thuộc tỉnh Hà Tĩnh; thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương; thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An; huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Đây là các địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp nhất trên cả nước.

Hiện có khoảng trên 50.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: T.HẰNG 

Thực tế, việc lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc tại nước ngoài đã diễn ra trong nhiều năm. Tình trạng này đã đưa đến nhiều hệ lụy tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu lao động. Lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam với các thị trường tiếp nhận lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động muốn sang làm việc tại các thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường trọng điểm, “tiềm năng” như Hàn Quốc. Một mặt, tình trạng này là nguyên nhân làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến hình ảnh của người lao động Việt Nam tại các thị trường lao động nước ngoài, tác động tiêu cực đến các hoạt động xúc tiến xuất khẩu lao động. Mặt khác, do các thị trường đều áp dụng chế tài đối với những nước có nhiều lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp nên người dân tại các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cũng sẽ mất cơ hội tiếp cận những thị trường lao động có thu nhập cao.

Đặc biệt, tìm hiểu được biết, phần lớn người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài đều có trình độ nhận thức, tác phong lao động chưa bảo đảm. Người lao động chưa nhận thức đầy đủ những nguy hiểm, tác hại của việc tự ý bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Ông Phạm Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, khi người lao động bỏ hợp đồng lao động tự ý ra ngoài làm việc thì không còn quan hệ hợp đồng. Do đó, họ sẽ không được bảo vệ quyền, lợi ích theo hợp đồng lao động và pháp luật của nước sở tại.

Lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro cao như bệnh tật, tai nạn lao động; không được bảo hộ quyền công dân; thiếu việc làm, bị ngược đãi, bị chủ sở hữu lao động nợ lương,… Cùng với đó là những cuộc truy quét gắt gao của nhà chức trách nước sở tại sẽ làm cho số lao động này luôn sống trong bất an. Khi bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại làm việc, nếu có nhu cầu.

Cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại các tỉnh này căn cứ theo Bản ghi nhớ về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc; và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020 - 2022. Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên; và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

 Cần nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng người lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Ảnh minh họa: N.P.

Trong xu thế toàn cầu hóa, đẩy mạnh xuất khẩu lao động đang là chủ trương lớn của nước ta hiện nay. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu lao động, vấn đề quan trọng hàng đầu đang đặt ra là cần ngăn chặn tình trạng người lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Theo đó, cần nâng cao công tác giáo dục người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với việc tư vấn, tuyển chọn, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho người lao động, các công ty đưa lao động đi nước ngoài cần tuyên truyền để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có kiến thức pháp luật, hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, từ đó an tâm thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động lao động về nước theo quy định sau khi hết hợp đồng. Có cam kết xác định trách nhiệm của gia đình người lao động trong việc vận động người thân trở về nước. Phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt và giải quyết kịp thời những phát sinh trong quá trình người thân tham gia làm việc tại nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra việc thu phí của các công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc nhiều doanh nghiệp "ép" người lao động phải ký quỹ, đặt cọc... đã tạo gánh nặng khiến người lao động tìm cách bỏ ra ngoài làm việc để có thêm thu nhập, trang trải nợ nần. Cần nghiên cứu, áp dụng những chế tài nghiêm khắc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp và người lao động có hành vi phá vỡ hợp đồng lao động, tự ý bỏ ra ngoài làm việc.

Đặc biệt, về lâu dài, cần có thêm chính sách tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, đây là những lao động có tay nghề, biết ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp, có kinh nghiệm và kỹ năng lao động tốt. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho lao động về nước đúng thời hạn; tổ chức thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm tại cơ sở; hỗ trợ việc làm đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… có trình độ tay nghề phù hợp. Tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước không chỉ là cơ sở để khai thác tốt nguồn nhân lực có chất lượng, tránh lãng phí nguồn lực, mà còn giúp người lao động yên tâm trở về nước sau khi hết thời gian lao động tại nước ngoài; hạn chế việc lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, nâng thời gian lao động làm việc ở nước ngoài lên mức 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Từ đó, vừa giúp người lao động có thêm thời gian làm việc, tích lũy, không có tâm lý bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, có thể bổ sung quy định về việc chính phủ trích một phần thu nhập của người lao động trong thời gian làm việc tại nước ngoài như một dạng đảm bảo, lao động có thể đóng nhiều hơn nếu có nhu cầu. Khoản tiền này được tính lãi theo lãi suất tiền gửi. Hết thời gian hợp đồng, nếu lao động về nước đúng thời hạn, sẽ nhận lại số tiền này, bao gồm cả tiền lãi. Nếu hết hạn, lao động cố tình bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài thì khoản tiền này sẽ bị tịch thu. Nếu làm được như vậy, chắc chắn số lượng lao động Việt Nam làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ giảm./.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN