Giải pháp nào để phát huy hiệu quả công trình nhà ở sinh viên?
(ĐCSVN) - Hạ tầng hiện đại, khuôn viên thoáng mát, hợp tiêu chuẩn với giá thuê rất “sinh viên”. Tuy vậy, sau 1 năm đưa vào hoạt động, khu nhà ở dành cho sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đến nay vẫn chưa thu hút được sinh viên đến ở.
Ở tòa nhà này, số lượng người ở chưa hết 2 tầng nhà. Ảnh: VH
Được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), khu nhà sinh viên khi hoàn thành dự kiến có 6 tòa nhà, mỗi tòa nhà cao 19 tầng (có thang máy) với sức chứa lên tới 22.000 sinh viên.
Tháng 1/2015, 3 tòa nhà đã được đưa vào sử dụng, có sức chứa tương đương hơn 10.000 sinh viên. Mỗi phòng ở được thiết kế gần 57m2, trang bị đầy đủ thiết bị như: Bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa... Theo quy định là 8 người/phòng với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá dịch vụ điện, nước...).
Có hệ thống hạ tầng hiện đại, giá thành phù hợp với đời sống của các sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có khoảng hơn 2.000 sinh viên thuê trọ tại đây. Con số khá khiêm tốn so với công suất thiết kế và nhu cầu sử dụng của khu nhà ở này.
Chúng tôi đã đến khu nhà ở sinh viên tìm hiểu và được biết: Một trong những khó khăn mà nhiều sinh viên ở đây gặp phải là đi học khá xa, mặc dù tại đây đã có một số tuyến xe buýt để phục vụ các sinh viên đi học. Ngoài tuyến xe buýt 60A, tuyến 21B chính thức được mở từ ngày 1/12/2015 vừa qua để phục vụ nhu cầu đi học của các sinh viên. Đây là hai tuyến xe có điểm đón gần nhất tại đây. Tuy nhiên, từ khu nhà ở sinh viên đến các bến xe buýt này, sinh viên cũng phải đi bộ khoảng 400 m. Còn một số tuyến xe buýt khác có khoảng cách xa hơn từ 600 m – 800 m, bao gồm các tuyến xe số 04, 06, 08 và 16A. Ngoài ra, do vị trí một số trường đại học ở Hà Nội nằm ở khoảng cách quá xa với khu nhà ở này, do vậy, để đến được trường học, có những bạn sinh viên phải đổi đến 3 lần xe buýt. Điều này là vấn đề khó khắc phục với một số sinh viên có giờ học buổi sáng.
Mặc dù thiết kế dành cho bốn người ở nhưng khá nhiều phòng chỉ có một người ở. Ảnh: VH
Bạn Huỳnh Tấn Minh – một sinh viên mới đến ở đây được một thời gian chia sẻ: Thường em dậy từ 5h sáng để chuẩn bị, đến 5h30, khu ký túc mở cửa là em đã bắt đầu ra bến xe cho kịp chuyến đầu tiên. Nhưng đôi khi do học tối nhiều, nên em không thể dậy sớm như mong muốn. Những ngày như vậy em đều bị muộn học. Em rất mong muốn trong thời gian tới, Ban quản lý khu nhà ở liên hệ với công ty xe buýt để tổ chức những tuyến xe từ khu nhà này tới những bến xe trung tâm. Như vậy, chúng em sẽ có những thuận lợi hơn trong việc đi lại.
Bạn Nguyễn Thị Hồng Lan, sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: Ở đây có nhiều thuận lợi, hạ tầng và dịch vụ tại đây khá hợp lý, kèm theo chi phí sinh hoạt cũng rẻ. Tuy nhiên, ngoài việc học ra, em còn có một số hoạt động khác, nên em buộc phải sử dụng xe máy để đi lại. Vấn đề là quãng đường từ đây tới trường em khá xa, lại có mật độ xe cộ lưu thông rất đông, nhất là những ngày mưa gió, đường Vành đai 3 có hôm tắc suốt toàn tuyến. Những ngày như vậy em phải nghỉ học, có đi thì cũng phải vài giờ đồng hồ em mới tới được trường học.
Như vậy có thể thấy, khoảng cách đến trường quá xa chính là vấn đề mà hầu hết các bạn sinh viên lưu trú tại đây băn khoăn, nhất là với hệ thống giao thông ngày một phức tạp như hiện nay ở Hà Nội.
Một vấn đề khác: Quy định của hầu hết các ký túc xá cao tầng đều không cho sinh viên tự nấu ăn tại nơi ở. Đây là một quy định đúng. Tuy vậy, giá cả và chất lượng bữa ăn tại căng-tin khu ký túc xá ở đây liệu đã phù hợp với túi tiền của sinh viên chưa?
Về vấn đề này, bạn Mai Linh – sinh viên năm thứ 2, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp đưa ra so sánh: Trước đây, em thuê trọ gần trường. Về điều kiện sinh hoạt có lẽ không được tiện lợi và hiện đại như tại khu ký túc xá. Tuy nhiên, chúng em có thể đi bộ đến trường, bớt được vấn đề chi phí, thời gian di chuyển. Còn về ăn, ở tại khu ký túc, bọn em ăn trưa và tối với mức giá rẻ nhất là vé cơm 20.000 đồng/ suất, một ngày là 40.000 đồng, chưa kể ăn sáng. Nhưng nếu tự nấu ăn thì chúng em mỗi ngày chỉ hết khoảng 20.000 đồng/ người, kể cả ăn sáng. Vì vậy, thời gian tới, có lẽ em sẽ chuyển về ở thuê trọ cùng các bạn cũ...
Bên cạnh đó, việc một phòng có quá đông người ở (8 người/ phòng) trong ký túc xá cũng gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập của các thành viên cùng phòng. Ban quản lý khu nhà ở tại đây cũng đã có những chính sách linh động, nhằm thu hút các sinh viên tới đây, như tạo điều kiện cho các bạn sinh viên thuê 4 người/ phòng với mức giá 410.000 đồng/ người, tuy nhiên như vậy là cao so với cách chi tiêu của sinh viên...
12h30 nhưng phòng ăn (căng-tin) của khu nhà rất ít sinh viên ăn cơm.
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, các dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nếu để thiếu vắng người ở thì sẽ là sự lãng phí rất lớn về đất đai và tiền của.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Đối với những khu nhà ở sinh viên do chính quyền địa phương tổ chức xây dựng (như mô hình làng sinh viên) cũng cần phải xem xét liệu những nơi đó có gần các trường học hay không. Hơn nữa, cách thức tổ chức cuộc sống ở các khu nhà này theo kiểu quá cổ điển, giống các khu ký túc xá từ thời xưa mà không giống với cuộc sống hiện nay. Chúng ta phải thay đổi, rà soát lại để nếu có đầu tư làm tiếp thì không rơi vào lãng phí.
Thiết nghĩ, đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội với hạ tầng hiện đại, chi phí thích hợp dành cho sinh viên là hướng đi rất đúng đắn của UBND Thành phố Hà Nội. Nhưng, việc xem xét tới nhu cầu đời sống thực tế, thói quen sinh hoạt, học tập của sinh viên sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho việc học tập, sinh hoạt của sinh viên cũng là điều nên chú trọng.
Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những nghiên cứu, điều chỉnh, quy hoạch lại cho phù hợp, nhằm thu hút được nhiều sinh viên đến ở như mong đợi, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước./.
Vũ Hoàng (CTV)