Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào để hiện thực hóa 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh

Thứ Tư, 12/04/2023 12:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang được Bộ NN&PTNT gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là Đề án hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương, các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế,...

Rất nhiều ý kiến được đưa ra nhằm “mổ xẻ” các vấn đề liên quan đến sản xuất bền vững lúa gạo ĐBSCL để góp phần thực hiện được mục tiêu “tăng trưởng” và “xanh” của Đề án.

 Giải pháp nào để hiện thực hóa 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh? (Ảnh minh họa. Nguồn: B.T)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa của cả nước. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp; đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.

Mặc dù vậy, sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL cũng còn đang tồn tại những khó khăn, hạn chế và tiềm ẩn một số nguy cơ thiếu bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường như: hiệu quả sản xuất lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa thấp; chất lượng lúa gạo, mức độ an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo chưa cao. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mục đích sử dụng đất khác cho hiệu quả cao hơn còn thiếu tập trung; tình trạng sử dụng chưa hợp lý, thiếu tiết kiệm vật tư đầu vào, đặc biệt là thâm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính còn chiếm tỷ lệ cao. Đơn vị sản xuất lúa hiện nay chủ yếu vẫn là hộ gia đình quy mô nhỏ, phân tán, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống đang là trở ngại đối với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn,…

Từ những lý do nêu trên và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Dự thảo của Đề án nêu rõ mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn để nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%.

Giảm lượng lúa giống còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 30%, giảm lượng nước tưới 30%. Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, bao gồm GAP và tương đương được công nhận, được cấp mã số vùng trồng hoặc áp dụng theo quy trình canh tác của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường đạt 80%; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 50%. Tỷ lệ năng lực sấy lúa và kho lúa đáp ứng 90% nhu cầu. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 8%. Giảm phát thải khí nhà kính trên 10%. Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 70% diện tích thu hoạch,…

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo).  Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%,…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đây là Đề án rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là Đề án đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có thời gian và lộ trình cụ thể và cần có sự đóng góp của các chuyên gia, Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Đóng góp ý kiến cho xây dựng Đề án, theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, ĐBSCL là vùng rất có lợi thế để xây dựng cánh đồng lớn, quy mô sản xuất lớn nhưng thực sự ở đây chưa hình thành được các cánh đồng quy mô lớn do quy mô hộ sản xuất của vùng rất nhỏ bé, manh mún. Vì vậy, về mặt lợi thế này, chúng ta chưa biến thành giá trị thực tế.

Thứ hai, hiện nay, chúng ta mới chỉ xuất khẩu đơn thuần về mặt gạo, các vấn đề khác là phát thải khí nhà kính, ngoài việc tham gia vào thị trường các-bon thì vấn đề cam kết đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định - liên quan đến cam kết về ứng phó với khí hậu) như thế nào?, và cách gì chúng ta có thể cân đong, đo đếm được công nhận là vấn đề cần giải quyết.

Ông Cường cũng nhấn mạnh đến việc khai thác các lợi thế khác từ lúa gạo, các sản phẩm chế biến sâu từ gạo, phế phụ phẩm trong nông nghiệp, chúng ta còn chưa khai thác triệt để.

Thứ nữa, ông Cường cũng cho rằng, muốn phát triển lúa gạo vùng ĐBSCL, doanh nghiệp phải đóng một vai trò rất quan trọng, là trung tâm thúc đẩy nhưng doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu vốn để đầu tư vào hạ tầng logistic, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm từ gạo và các phế phụ phẩm nông nghiệp.

“Đặc biệt, sản xuất lúa gạo mang tính thời vụ, khoảng 3 tháng là thu mua và việc thu mua trong một thời gian ngắn cần rất nhiều tiền. Nếu chúng ta không thu mua kịp, lúa gạo sẽ giảm chất lượng, nếu vậy, vấn đề đó thì giải quyết như thế nào?” – ông Cường nêu lên các vấn đề cần giải quyết trong Đề án.

Thêm nữa là vấn đề về nông dân, rõ ràng người nông dân vốn đầu tư vào sản xuất còn hạn chế. “Bây giờ có thể nói nông dân ở ĐBSCL, việc áp dụng quy trình kỹ thuật phụ thuộc nhiều vào các chủ hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và giống hơn là các cán bộ hướng dẫn khuyến nông. Vì các chủ ở đại lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bỏ tiền ra bán chịu cho bà con nông dân nên bà con nghe theo. Vậy thì chúng ta giải quyết tình trạng này như thế nào” – ông Cường nêu ý kiến.

Do vậy, ở đây, ông Cường cho rằng, đối với Đề án, chúng ta cần xác định được các “điểm nghẽn” của sản xuất lúa vùng ĐBSCL và phải giải quyết được các “điểm nghẽn” đó, tự nhiên sẽ thúc đẩy được ngành hàng lúa gạo ĐBSCL. Và các chính sách, cơ chế gì để chúng ta giải quyết được các điểm nghẽn?.

Theo ông Vũ Thanh Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT, Đề án rất cần các đóng góp về chính sách đầu tư, dịch vụ công, cơ chế phối hợp giữa các đối tác trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp, các ngân hàng chính sách, hợp tác xã, hộ nông dân, thương lái. Bên cạnh đó là quy trình nghiên cứu giống, quy trình canh tác, cơ giới hóa, bảo quản, phân phối sản phẩm cho ngành lúa gạo.

Thứ hai là tư vấn quy hoạch vùng sản xuất và thiết kế đồng ruộng cùng ngành lúa gạo chất lượng cao và bền vững. Theo ông Liêm, đây là các công tác cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó là vấn đề tư vấn xây dựng đường cơ sở đo đếm phát thải. Đây là công việc cần được đẩy mạnh ngay. Cùng với đó là tập huấn kỹ thuật và truyền thông và nâng cao nhận thức trong sản xuất lúa và tư vấn để xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, xanh và bền vững của vùng ĐBSCL. Nghiên cứu đầu tư hạ tầng xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, xanh bền vững cho ĐBSCL.

Theo đại diện của WB, để Đề án được triển khai thành công, cần quan tâm đến NDC của Đề án. Cùng với đó là vấn đề giải pháp về vốn, trong đó, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp nhận các nguồn vốn.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết, IRRI sẽ đóng góp cho Đề án 1 triệu ha lúa về giải pháp công nghệ và quản lý thích ứng biến đổi khí hậu và phát thải thấp; hệ thống MRV – hỗ trợ thị trường, kinh doanh chứng chỉ carbon. Nâng cấp chuỗi giá trị, chiến lược thị trường, bao gồm chuỗi giá trị tuần hoàn rơm; cơ giới đồng bộ và quản lý sau thu hoạch; nông nghiệp số.

Về kinh tế tuần hoàn từ rơm, IRRI có thể giúp xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ hiện trạng quản lý rơm rạ tại ĐBSCLThực hiện các nghiên cứu khoa học về thực hành quản lý rơm rạ tốt dựa trên các yếu tố đa dạng sinh học, lượng khí thải carbon, cân bằng dinh dưỡng, hiệu quả năng lượng và chi phí – lợi ích. Ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô canh tác vào quản lý rơm rạ bền vững, logistics, trồng nấm rơm, làm thức ăn gia súc từ rơm,…Phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn từ rơm và phân tích chuỗi giá trị kinh tế từ rơm.

IRRI cũng cho rằng, để có được nhiều thị phần gạo chất lượng cao hơn nữa, Việt Nam cần xác định các khu vực phù hợp nhất để trồng gạo chất lượng cao; hỗ trợ nông dân ở các khu vực trọng điểm trồng lúa jasmine, đồng thời, cần giải quyết các vấn đề của sản xuất lúa trong nước; cải thiện mùi hương và chất lượng cơm của gạo,…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nếu xây dựng và triển khai được, Đề án này sẽ giúp chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa ở ĐBSCL, gắn với việc chuyển đổi tư duy sản xuất ở vùng ĐBSCL. Từ sản xuất lúa chất lượng cao nâng lên thành một trình độ cao hơn. Đó là đạt giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, với việc chuyển đổi 1 triệu ha lúa, đòi hỏi trong dự án này, cần phải đảm bảo giống lúa xác nhận theo hướng đa mục đích, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phục vụ cho cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp vừa phục vụ cho dinh dưỡng sức khỏe cho con người.

Thứ hai là chuyển đổi hẳn 1 quy trình canh tác, mang tính bền vững. Thứ ba là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn hợp tác xã, hộ dân, doanh nghiệp…để đảm bảo chuỗi giá trị. Đồng thời, đảm bảo nâng cao được thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa lớn, đảm bảo yêu cầu, hạn chế, thu hẹp dần sản xuất manh mún nhỏ lẻ của hộ nông dân. Thứ nữa, thông qua Đề án làm sao nâng được thương hiệu gạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, Đề án sẽ triển khai bắt đầu từ năm 2024, tập trung vào khoảng 200 nghìn ha, với khoảng 1,4 triệu tấn lúa, để vừa làm vừa rút kinh nghiệm và nhân rộng ra. Tính đến nay, đã có nhiều tỉnh của ĐBSCL và các doanh nghiệp đăng ký tham gia Đề án.

Thực tế, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong bối cảnh cần tiếp tục nâng cao giá trị cho chuỗi ngành hàng lúa gạo, đồng thời, phát triển kinh tế cần gắn với “xanh” và bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động tới biến đổi khí hậu.

Đề án với những những mục tiêu lớn cũng đặt ra nhiều bài toán lớn, do đó, hiện nay, Đề án vẫn tiếp tục tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế,…để có những cơ chế chính sách, những giải pháp hiệu quả góp phần thực hiện thành công Đề án.

Đề án hứa hẹn sẽ mang lại những giá trị lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa, nâng cao thương hiệu gạo cho Việt Nam và đặc biệt là góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững./.

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN