Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào cho vùng “rốn lũ” Thủ đô?

Thứ Tư, 14/08/2024 10:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Mười lăm năm qua, người dân vùng “rốn lũ” Thủ đô đã trải qua 4 lần sống chung với “biển nước” mênh mông, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội. Việc tìm ra giải pháp khắc phục và nhanh chóng đưa các giải pháp đồng bộ vào cuộc sống là điều không thể chậm trễ.

Gần 3.000 hộ dân các xã ven sông thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ vừa phải sống trong cảnh chìm trong “biển nước” hơn nửa tháng. (Ảnh: TA) 

 

Cuối tháng 7 vừa qua, gần 3.000 hộ dân các xã ven sông thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ sống trong cảnh chìm trong “biển nước” hơn nửa tháng khi nước sông Bùi lên cao vượt mức báo động III, tràn đê hữu Bùi. Sau nhiều ngày nước sông Bùi tràn qua đê, hàng nghìn hộ dân ở các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn phải di tản. Người cố bám trụ để giữ nhà thì sống trong cảnh thiếu nước sạch, ăn mì tôm qua ngày.

Cách đây mấy ngày, nước mới rút hoàn toàn, cuộc sống của người dân mới dần ổn định nhưng gặp vô vàn khó khăn trước các nguy cơ phát sinh dịch bệnh sau ngập lụt bởi súc vật chết, nước hôi tanh rồi tình trạng ghẻ nước, các bệnh ngoài ra,... Đó là còn chưa nói đến thiệt hại về kinh tế mà người dân phải gánh chịu...

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên, hay là câu chuyện hiếm gặp, mà đang xảy ra với tần suất ngày một dày hơn, ngay giữa Thủ đô. Bởi trong 15 năm qua, 2024 là lần thứ 4 nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã vùng ven sông Bùi như: Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hữu Văn, Thủy Xuân Tiên…. Lần đầu năm 2008, khi Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017, lần thứ ba vào tháng 7/2018. Cứ mỗi đợt như vậy, hàng nghìn hộ dân nơi vùng “rốn lũ” phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng kéo dài, vẫn phải chèo thuyền trên con đường làng của mình.

Theo dự báo thời tiết, những ngày tới, Hà Nội sẽ có mưa rất to, nguy cơ ngập lụt có thể tiếp tục xảy ra… Trước dự báo này, ngay tối 12/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký Công điện số 08 hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Và người dân ở các xã nêu trên của huyện Chương Mỹ lại cảm thấy bất an khi trận lụt vừa qua chưa khắc phục xong hậu quả thì lại phải tiếp tục lo lắng để đối phó với những trận tiếp theo… Vì vậy, câu hỏi: Bao giờ người dân hàng chục xã vùng ven sông Bùi không còn thấp thỏm với nỗi lo lũ lụt là câu hỏi đặt ra cấp thiết?

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội từng chia sẻ rằng, tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ được xem là hệ quả của hai nguyên nhân: Lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng và ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đổ về, khiến mực nước sông Bùi lên cao.

Trên thực tế, thời gian qua, cứ sau mỗi đợt ngập lụt, các sở ngành của Thành phố Hà Nội lại thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp. Những năm gần đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu để cố gắng đưa ra giải pháp. Rồi những ý tưởng như xây dựng hồ chứa và hệ thống kênh dẫn để cắt lũ rừng ngang, hay nâng cấp tổng thể hệ thống đê sông Bùi… đã được đề cập. Dù vậy, tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra do thiếu đi những giải pháp thật sự căn cơ, lâu dài.

Nhận biết được nguyên nhân, năm 2020, Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề xuất đề tài khoa học cấp thành phố "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ", thực hiện trong năm 2022-2023. Chủ nhiệm đề tài là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho hay nhóm đã đề xuất cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Các giải pháp được đưa ra trong đề tài có thể chống được mức lũ tương đương với trận lũ năm 2008, 2017, 2018 và đợt lũ đang diễn ra.

Ngay trong ngày hôm qua (13/8) huyện Chương Mỹ họp với đơn vị tư vấn, các xã, thị trấn bàn giải pháp giảm thiểu thiệt hại, thích ứng với lũ rừng ngang. Tại buổi họp, thay mặt nhóm tác giả, bà Thủy đề xuất huyện Chương Mỹ di dân tại chỗ một phần thôn Bùi Xá (xã Thủy Xuân Tiên); nâng cấp hệ thống đường, trường, trạm bảo đảm cao độ chống lũ. Bên cạnh đó, xây dựng đê ngăn và cải tạo sông, suối để tăng khả năng thoát lũ. Xây dựng đê hữu Bùi thành 4 khu vực khép kín, có kết nối đê dọc sông Bùi để quản lý, ứng phó với cao trình đê chống lũ 7-8m. Xây dựng trạm bơm phân tán, tiêu nước triệt để…

Tại cuộc họp, lãnh đạo các xã, thị trấn: Xuân Mai, Tân Tiến, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên và các cơ quan chuyên môn của huyện Chương Mỹ đề xuất nâng cấp một số công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học…Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, đề tài nghiên cứu nêu trên đã được nghiệm thu và có tính khả thi rất cao. Để triển khai đề tài nghiên cứu này, huyện đề xuất ưu tiên đầu tư các công trình cấp thiết…

Đáng chú ý, để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra tại vùng “rốn lũ” huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội đã và đang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu thoát nước dọc sông Bùi. Hiện, các dự án vẫn đang được chủ đầu tư tích cực triển khai.

Thực tế, đê sông Bùi mới dừng ở việc bị tràn nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương ven sông. Nó không chỉ xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân mà ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, thời tiết diễn biến bất thường, khó dự đoán. Vì vậy, không một ai dám chắc nếu tình trạng này kéo dài thì đê sông Bùi sẽ không bị vỡ. Và nếu điều đó xảy ra, hậu quả sẽ rất khôn lường, không thể đo đếm được.

Việc sớm tìm các giải pháp căn cơ, lâu dài để tăng cường tính chống chịu với mưa lũ cho hệ thống sông Bùi đã là vấn đề được quan tâm từ lâu. Và khi các giải pháp đã được nghiệm thu, đã được khẳng định thì việc triển khai đồng bộ để đi vào cuộc sống cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để người dân ở vùng “rỗn lũ” của Thủ đô có thể yên tâm sinh sống nơi làng quê của mình. Đây cũng là điều có ý nghĩa rất lớn ở khía cạnh kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai./.

 

 

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN