Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp giúp các tỉnh Đông Nam Bộ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài

Thứ Tư, 12/07/2023 09:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Để đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng cho nhiều lĩnh vực, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhiều giải pháp thu hút đầu tư

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Khu công nghiệp Amata - Đồng Nai. (Ảnh: K.V) 

Là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, đầu tàu kinh tế của đất nước, TP Hồ Chí Minh luôn là vùng đất quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố có khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với gần 11 nghìn dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) còn hiệu lực với tổng vốn đạt trên 78 tỷ USD.

TP Hồ Chí Minh là một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước. Nếu như trước đây, Thành phố chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), thì hiện nay, qua thống kê các dự án lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đây là các lĩnh vực mà Thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến.

Điều này chứng tỏ hiệu quả của những định hướng xúc tiến đầu tư thời gian qua cũng như nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút các dự án có giá trị lớn, theo đúng định hướng chú trọng vào chất lượng dự án hơn số lượng dự án. Nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, Thành phố đạt được một số kết quả tích cực.

Thời gian qua, Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như các hoạt động gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp; thành lập tổ công tác đầu tư do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong thủ tục, quy trình đầu tư… thì thị trường lao động TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương nói chung sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị.

Hơn 30 năm qua, tỉnh Đồng Nai đã thu hút vốn FDI được gần 33 tỷ USD, nằm trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, thu hút FDI của tỉnh này đã giảm mạnh nên Đồng Nai  đang tìm các giải pháp tăng thu hút dòng vốn ngoại vào các lĩnh vực.

Có thể thấy, Đồng Nai luôn xác định vốn FDI là một trong những nguồn động lực chính để phát triển. Các dự án FDI đã có đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương liên tục đồng hành với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật, tăng kết nối vùng, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho doanh nghiệp hoạt động để dự án đầu tư đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo định hướng phát triển công nghiệp của Đồng Nai, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính. Từ đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút dự án công nghiệp công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhiều doanh nghiệp trong nước.              

Đẩy mạnh ngành nghề dịch vụ logistics

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển lợi thế cảng biển. (Ảnh: K.V) 

Tại tỉnh Bình Phước, thời gian qua đã và đang trở thành trung tâm thu hút FDI tại khu vực phía Nam, là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài nhờ vào vị trí chiến lược quan trọng, hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, kết quả này đến từ việc đề cao thành công của doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, và xem đây cũng là thành công của tỉnh. Với việc xây dựng “nền tảng 4 tốt” gồm “hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt”, Bình Phước cho thấy sự hoan nghênh và sẵn sàng chào đón nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn sát cánh với doanh nghiệp; sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Bình Phước.

Ngoài ra, Bình Phước còn xây dựng nhiều chính sách ưu đãi và mời gọi nhà đầu tư tầm cỡ, song song với việc liên tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới. Bình Phước còn có lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và giao thông thuận tiện. Cùng với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có thêm thuận lợi cho đầu tư sản xuất công nghiệp. Trước một loạt các ưu thế sẵn có, mục tiêu đưa Bình Phước trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, thu hút mạnh đầu tư nguồn vốn FDI luôn được lãnh đạo tỉnh đề cao hàng đầu.

Hiện tại các lĩnh vực đầu tư tại Bình Phước đang dịch chuyển theo hướng đa dạng hơn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, Bình Phước tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với danh mục 80 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Theo đó, định hướng thu hút đầu tư tại tỉnh sẽ là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics…

Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, sự phát triển công nghiệp, du lịch cùng hạ tầng giao thông thuận lợi trong vùng kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tạo dựng hình ảnh tốt về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư đến từ các nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và không xâm hại môi trường.

Tận dụng ưu thế về vị trí địa lý, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển mạnh hệ thống cảng. Đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm.

Riêng Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải được đánh giá thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là cụm cảng có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ..., xếp vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành gần sát với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện được gấp rút triển khai xây dựng, cùng với các tuyến đường quan trọng như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải, cầu Phước An, đường 991B, Phước Hòa-Cái Mép từng bước được hoàn thiện.

Các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với những dự án giao thông liên vùng. Điều này giúp bảo đảm giao thông thông suốt, khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên cả nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết hiện tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư FDI như: rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính. Đồng thời, tỉnh nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, từ đó, thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng, tạo sự lan tỏa đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thực tế, với 15 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 8.511ha, trong đó có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với đa dạng ngành nghề như điện, khí, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, hoá chất, vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón..., tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm đến từ nhiều năm qua của các doanh nghiệp Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Canada...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm như: công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao... Đặc biệt, chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các khu công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; dần hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó nêu rõ định hướng, các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tiếp tục thu hút nhà đầu tư.

Nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành kế hoạch hành động tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, công nghệ cao, hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề không thích hợp.

Đồng thời, tỉnh xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, không ngừng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và giúp Bà Rịa-Vũng Tàu luôn duy trì trong top dẫn đầu nhóm thu hút vốn FDI trên cả nước./.

Bảo Châu (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN