Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp căn cơ phòng chống đuối nước cho trẻ em

Thứ Bảy, 29/06/2024 19:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Dạy cho trẻ em kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước, sau đó mới đến các kỹ năng bơi sải, bơi ếch,… Người lớn cần có trách nhiệm trông nom, giám sát, liên tục để mắt đến trẻ được xem là những giải pháp căn cơ để phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Hè đến là khoảng thời gian học sinh được nghỉ thời gian dài, đồng thời, với thời tiết nắng nóng, nhu cầu tắm mát ở các sông, suối, ao, hồ,… là thói quen của nhiều trẻ em. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro đuối nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của các em. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, ngay tại các bể bơi, hồ cá trong khuôn viên nhà, gia đình cũng đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. 

Vì vậy, phòng chống đuối nước cho trẻ em luôn là vấn đề “nóng” thường trực được cả xã hội quan tâm, chú trọng. Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe.

- ThS. Lê Thị Giang, Giảng viên chính Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các vị khách mời trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ đề phòng chống đuối nước ở trẻ em. Ảnh: B.T  

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ Nguyễn Trọng An, đuối nước ở trẻ em là một trong những vấn đề thường trực, lo ngại của nhiều bậc phụ huynh vào dịp hè. Xin Bác sĩ cho biết về thực trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay của Việt Nam?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Ở Việt Nam, theo tính toán, tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần so với những nước đang phát triển  Chúng ta biết, hiện nay hằng năm, khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng 2010-2012, mỗi 1 năm có khoảng 3.500 trẻ em bị đuối nước trong tổng số 7.000 trẻ em bị tai nạn thương tích nói chung. Chúng ta thấy đây là một nỗ lực rất lớn trong 10 năm qua của tất cả các bộ ngành, các đoàn thể cũng như từng gia đình, giúp kéo giảm được con số này. Bây giờ còn hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước hằng năm, vẫn rất đau lòng. 

Chúng ta thấy mỗi 1 ngày, trung bình từ 8 đến 10 trẻ em bị đuối nước; 8-10 gia đình phải sống trong lo âu, sợ hãi và bao nhiêu niềm thương tiếc. Thực sự rất xót xa.

PV: Như những gì bác sĩ vừa chia sẻ, chúng ta có thể thấy đây là những con số rất đau lòng. Vậy theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em?

 Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, dạy cho trẻ kỹ năng sinh tồn dưới nước là giải pháp quan trọng đầu tiên cần trang bị cho trẻ để phòng chống đuối nước. (Ảnh: B.T)

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung vào 4 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên, đó là sự chủ quan, lơ là của các bậc cha mẹ, người lớn đã không quan tâm đến con trẻ, để con trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm, gây nên đuối nước.

Nguyên nhân thứ 2, đó là vấn đề thiếu ý thức chấp hành các luật, các quy định về an toàn. Ví dụ như Luật An toàn giao thông đường thủy, đi tàu thủy, đò, thuyền phải mặc áo phao;  những nơi trẻ em không được đến, chỗ nước sâu, có biển báo thì không được tới,…Nghĩa là quy định rất rõ rồi, có luật pháp nhưng vẫn còn sự không quan tâm, không chấp hành.

Nguyên nhân thứ 3 là do môi trường. Môi trường ở Việt Nam, chúng ta thấy từ trong ngôi nhà cho đến ngoài đường, cộng đồng có nhiều nơi không an toàn.

Trong ngôi nhà của chúng ta, nhiều lúc chúng ta nghĩ rất an toàn nhưng cần nhìn lại, nào chum, vại,… không có nắp đậy. Xô dùng nước xong không đổ đi, nước vẫn ở trong xô gây nhiều nguy cơ cho trẻ em 2-3 tuổi nếu không may ngã vào đó; chỉ vài phút có thể tử vong do đuối nước.

Bên cạnh đó, ở ngoài vườn, các hố đào lấy nước tưới, các ao, các hồ,…, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao. Nghĩa là trong khuôn viên gia đình là nơi nguy cơ cao nhất và mất an toàn nhất đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Ở ngoài đường, những nơi như cống rãnh, các hố đào,…, mỗi khi mưa đến, đường không bằng phẳng rất dễ tạo các điểm nguy hiểm cho trẻ em nếu không may đi vào những nơi này. Tiếp đến là các bể bơi, hồ bơi, ao cá, bể tắm, thiếu người hướng dẫn, thiếu người giám sát để bảo đảm sự an toàn trẻ em cũng là những yếu tố dẫn đến đuối nước ở trẻ em.

Nguyên nhân thứ 4 - nguyên nhân cuối cùng, đó là hầu hết trẻ em Việt Nam thiếu kỹ năng sinh tồn dưới nước. Đây là kỹ năng tồn tại trong môi trường nước.

Khi ngã xuống nước, trẻ em ở nhiều nước biết lặn, biết thở thế nào, biết đứng nước, ngửa đầu lên để làm sao có thể tồn tại ít nhất trong 90 giây, nếu nhiều sẽ được 5 phút. Đây chính là kỹ năng sinh tồn.  Nghĩa là nếu không may bị ngã xuống nước thì sinh tồn như thế nào? Rồi bắt đầu chúng ta mới nghĩ đến cho trẻ đến kỹ năng biết bơi, bơi ếch, bơi sải,… Tiếp đến là kỹ năng cứu đuối như thế nào? Đưa được em bé lên bờ, nếu chẳng may em bé hết thở hay là tim ngừng đập thì các biện pháp hô hấp nhân tạo như thế nào để cứu sống em bé. Đó là những kỹ năng mà chúng ta còn thiếu. 

 ThS. Lê Thị Giang nhấn mạnh, việc thiếu giám sát của người lớn đối với trẻ em là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đuối nước ở trẻ em. (Ảnh: B.T)

PV: Vẫn là nội dung câu hỏi trên, xin được lắng nghe ý kiến của ThS. Lê Thị Giang. Theo bà, đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em?

ThS. Lê Thị Giang: Với góc độ của nhà chuyên môn về lĩnh vực giáo dục thể chất, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung chủ yếu vào những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Nói về nguyên nhân khách quan, như chúng ta đã biết, Việt Nam đã được thiên nhiên ưu đãi với một bờ biển rất dài và hệ thống sông ngòi chằng chịt trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Tuy nhiên, với điều kiện địa lý như vậy nếu chúng ta không đảm bảo tốt, an toàn cho trẻ em sống trong môi trường xung quanh thì đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên vấn nạn đuối nước. Tiếp đến, hằng năm, Việt Nam chúng ta chịu rất nhiều đợt thiên tai bão lũ, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, có rất nhiều trẻ em có những vấn đề về sinh lý, y tế, tuy nhiên về phía gia đình cũng như những giáo viên không nhận biết được vấn đề đó nên khi cho trẻ em tiếp xúc với nước không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân chính gây đến những phản ứng mất kiểm soát ở trong môi trường nước.

Về nguyên nhân chủ quan, như bác sĩ Nguyễn Trọng An vừa chia sẻ, đó là thiếu sự giám sát của người lớn. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên vấn nạn đuối nước ở trẻ em. Bởi lẽ chỉ cần một phút lơ là, rất dễ xảy ra sự cố. Do sự lơ là của người lớn, trẻ em lúc đó sẽ không có được sự cứu giúp kịp thời.

Thêm một nguyên nhân nữa là trẻ em không biết bơi cũng như thiếu những kỹ năng sinh tồn ở trong môi trường nước. Thực ra các em có thể biết bơi nhưng về kỹ năng sinh tồn ở trong môi trường nước, các em chưa có hoặc chưa đủ để tự cứu mình hoặc cứu giúp những người bạn xung quanh mình.

Đơn giản, ví dụ như một kỹ năng là hô cứu. Hầu như các bạn sẽ không biết và các bạn sẽ mất thời gian quan sát và lo lắng. Nhưng nếu được trang bị từ đầu, các bạn sẽ có những hành động cầu cứu sự giúp đỡ của những người lớn hoặc những nhà chuyên môn,…

Và một kỹ năng nữa là thiếu sự nhận biết về môi trường xung quanh. Như chúng ta đã biết, hơn 80% trẻ em ham thích nước. Khi nhìn thấy nước, các em sẽ có một nhu cầu thích nhảy xuống nước, chơi ở trong môi trường nước. Nhưng các em không được nhận biết được ở dưới làn nước trong xanh đó tiềm ẩn những nguy hiểm. Ví dụ như những dòng xoáy, những dòng chảy ngầm, kể cả đối với người lớn.

Nếu như chúng ta không đọc, không nghiên cứu, chúng ta sẽ không biết được những kiến thức này. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến vấn nạn đuối nước ở trẻ em.

Và một nguyên nhân nữa đó là môi trường sống. Trẻ em cần được sống trong một môi trường an toàn. Về đặc điểm địa lý cũng như về thực trạng cuộc sống ở Việt Nam, chúng ta đã biết, trong nhà, ngoài đường, ngoài thôn xóm,… có rất nhiều những môi trường nước hở. Ví dụ chum, vại đựng nước nhưng chúng ta không có nắp đậy. Những hố sâu, những hố công trình xây dựng không có rào chắn, không có biển báo là những mặt nước hở. Đó là những nguyên nhân chính gây nên vấn nạn đuối nước ở trẻ em. 

 

PV: Thực tế cho thấy thì kỹ năng biết bơi, kỹ năng phòng chống với nước, kỹ năng cứu nạn khi thấy người ở dưới nước gặp nguy hiểm là những hành trang rất cần thiết để trẻ có thể tự bảo vệ mình cũng như cứu người khác trong những tình huống khẩn cấp. Vậy theo ThS. Lê Thị Giang, làm thế nào để chúng ta trang bị tốt nhất cho trẻ những kỹ năng này?

ThS. Lê Thị Giang: Có thể khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể trang bị cho trẻ em những kỹ năng này một cách tốt nhất.

Điều đầu tiên, chúng ta sẽ phải cho trẻ em học bơi từ sớm và đến những trung tâm có uy tín, những nhà chuyên môn để làm sao trang bị cho trẻ em những kỹ năng an toàn trong môi trường nước, những kỹ năng bơi một cách hiệu quả nhất. Vấn đề thứ hai là chúng ta sẽ phải giáo dục cho trẻ em về vấn đề an toàn trong môi trường nước. Giáo dục ở đây nghĩa là chúng ta phải giúp cho trẻ em nhận biết những mối nguy hiểm, giúp cho trẻ em tuân thủ những quy tắc ở trong môi trường nước.

Thứ nữa là chúng ta nên trang bị cho trẻ em những kỹ năng phòng chống đuối nước và cứu đuối. Thực ra có rất nhiều kỹ năng phòng chống đuối nước. Điều này còn phụ thuộc vào địa điểm cũng như địa lý, hoặc vị trí nơi trẻ em rơi xuống nước; có rất nhiều vấn đề mà chúng ta chưa thể trang bị cho trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, cũng như kỹ năng cứu đuối nếu không may bạn mình hoặc những người xung quanh gặp nạn. Và vấn đề cuối cùng đó là sự hợp tác giữa xã hội, nhà trường và gia đình.

Đây là một vấn đề được nói rất nhiều, tuy nhiên, sự hợp tác sẽ phải thực hiện một cách đồng bộ và triệt để. Tôi khẳng định, việc trang bị cho trẻ em những kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

PV: Như chúng ta đã biết thời gian gần đây có rất nhiều những vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra do sự bất cẩn của người lớn trong việc giám sát và trông trẻ nhỏ, bởi thực tế là trẻ nhỏ rất hiếu động khi thấy có nước. Vậy, theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, trong vấn đề này, về phía người lớn, chúng ta cần có những trách nhiệm như thế nào khi trông và giám sát trẻ nhỏ?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Về vấn đề người lớn giám sát trẻ nhỏ, như vừa rồi chúng ta phân tích, đây chính là nguyên nhân đầu tiên gây ra đuối nước ở trẻ em cũng như các loại hình tai nạn thương tích khác. Các bậc cha, mẹ, những người lớn phải có ý thức cảnh giới, cảnh giác và bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Nhưng bây giờ giám sát như thế nào? Trước hết, như tôi đã nói, trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi thường bị đuối nước ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vì vậy, trách nhiệm của các bậc cha, mẹ, của người lớn như thế nào? Phải giám sát làm sao?,… Chúng ta nói rất dễ nhưng thực tế có nhiều phụ huynh trông con, nhưng mải xem điện thoại thì chỉ sơ sẩy một vài phút thôi, con có thể rơi vào sự nguy hiểm.

Đi ra bên ngoài, chúng ta nói rất nhiều về bể, giếng khơi phải có nắp đậy nhưng nếu lơ đễnh có thể bỏ nắp ra. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện các giám sát được đưa vào trong tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích mà Bộ trưởng Bộ Lao động Thương bình và Xã hội đã ra quyết định. Có 43 điểm mà tất cả các bậc cha, mẹ, những người lớn cần chú ý trong ngôi nhà mình. Những điểm như: phải đậy chum, đậy vại, giếng khơi như thế nào, xô, chậu, rãnh nước như thế nào?,…

Do các bậc cha mẹ thường có rất nhiều công việc để làm trong ngày nên rất dễ quên điều này, do đó, ở cộng đồng, đặc biệt là những khu vực nông thôn, rất cần có một đội ngũ hỗ trợ giám sát.

Chính vì thế, trong Luật Trẻ em 2016 đã đưa ra các điều khoản về các cấp độ bảo vệ trẻ em, ưu tiên cấp độ phòng ngừa. Ở cấp độ đầu tiên, thành lập một đội ngũ mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng, các cán bộ này gọi là cán bộ công tác xã hội, được đào tạo, được tập huấn, có kỹ năng và có trong tay một bảng kiểm. Đội ngũ này sẽ đến nhà người dân kiểm tra chum đã đậy nắp chưa? Bể nước này phải có nắp đậy,…hoặc nhắc nhở khi trông con, nếu có điện thoại, sẽ thả con vào cũi.

Nghĩa là những điều này được ghi rất cẩn thận, để từ đó, hỗ trợ kỹ năng, kiến thức cho các bậc cha mẹ. Các bậc cha mẹ, người lớn có kỹ năng kiến thức sẽ truyền lại cho con và mới bảo vệ con an toàn. Và chính cái bảng kiểm như vậy, tháng sau đội ngũ cộng tác viên cộng đồng tiếp tục quay lại để tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở nếu vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí ngôi nhà an toàn.

Hiện nay ở Việt Nam đã có hơn 8 triệu ngôi nhà đã đảm bảo được đủ các tiêu chí ngôi nhà an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích.

Vấn đề thứ hai, tất cả các nơi trơn, trượt, hố,…phải có biển báo. Tất cả các cống, rãnh và các hố công trình phải có rào chắn và có người bảo vệ. Chúng ta đã thấy xảy ra rất nhiều vụ việc thương tâm, cho nên sự giám sát này bao gồm rất nhiều lĩnh vực.

Nghĩa là từ môi trường trong gia đình đến môi trường cộng đồng và môi trường xã hội, đòi hỏi ý thức của người lớn và phải có sự hỗ trợ các kỹ năng để người lớn có các kỹ năng để giám sát và bảo đảm sự an toàn cho trẻ em không bị tai nạn thương tích khác, trong đó có vấn đề tử vong do đuối nước.

 Dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng bơi là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống đuối nước.

PV: Với câu hỏi này, ThS. Lê Thị Giang có bổ sung thêm gì không?

ThS. Lê Thị Giang: Theo tôi, chúng ta phải có trách nhiệm một cách triệt để với trẻ em, bởi lẽ người lớn luôn luôn phải quan sát trẻ em chặt chẽ và liên tục. Nếu chúng ta lơ là cho trẻ em chơi một mình trong môi trường nước sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ tai nạn đuối nước. Vì vậy, trách nhiệm hàng đầu của người lớn đó là giám sát chặt chẽ đối với trẻ em khi trẻ em nô đùa và luyện tập ở trong môi trường nước.

Thứ nữa, người lớn phải luôn luôn đồng hành và hỗ trợ trẻ em. Ví dụ khi trẻ em phải di chuyển trên những phương tiện giao thông đường thủy, hãy cho trẻ em một yêu cầu cơ bản, đó là cho con một chiếc áo phao. Chỉ như vậy thôi đã giúp cho trẻ em có cơ hội sống sót nếu không may có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, nếu người lớn được trang bị, huấn luyện những kỹ năng phản ứng nhanh trong những trường hợp khẩn cấp thì người lớn sẽ biết cách tiếp cận, biết cách cấp cứu,.. trẻ em gặp nạn.Tóm lại, chúng ta hãy bảo vệ trẻ em, hãy trao cho trẻ em những kỹ năng sinh tồn và hãy cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn.

PV: Thưa Bác sĩ Nguyễn Trọng An, hiện nay, nhiều địa phương đã quan tâm rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc nơi những vùng nước sâu, nguy hiểm, làm rào chắn, biển cảnh báo tại những nơi này, tuy nhiên, vẫn còn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại những khu vực này. Vậy theo bác sĩ, đâu là giải pháp căn bản nhất chúng ta cần triển khai để hạn chế được tối đa các vụ việc thương tâm xảy ra tại các khu vực nguy hiểm này?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Theo tôi, đầu tiên tất cả mọi người lớn, các bậc cha mẹ phải chú ý đến trẻ em, trọng tâm là trẻ em và hỗ trợ cho trẻ em các kỹ năng sinh tồn.

Từ những kỹ năng trẻ em biết thở dưới nước, biết bơi, biết lặn,… và đặc biệt là kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước. Vì thế cho nên khi luyện tập cho trẻ em từ 6-7 tuổi trở lên phải hỗ trợ các em các kỹ năng sinh tồn dưới nước.

Về vấn đề này, nhiều trường có đề cập đến khó khăn về việc không có bể bơi, nhưng ở Việt Nam, có rất nhiều địa phương đã áp dụng, xây dựng và giảng dạy các kỹ năng cho trẻ em trong môi trường nước mà không cần đến bể bơi. Ví dụ, có những chậu nước để trước mặt các em để các em học làm quen thở trong môi trường nước,… Nghĩa là trẻ em phải luyện thật quen ở trong môi trường nước, sau đó, mới để cho các em xuống nước, dạy cho các em kỹ năng đứng nước, trồi lên mặt nước,…

Do đó, dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ em là điều quan trọng nhất. Mặc dù có biển báo, rào chắn nhưng trẻ em chưa nhận thức được sự nguy hiểm và không lường trước được sự nguy hiểm, do đó, kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước có thể giúp trẻ em tự cứu được mình trong một khoảng thời gian nhất định như tôi đã trao đổi.

Thứ hai là vấn đề giám sát ở cộng đồng, các nơi nước trơn, trượt, ao, hồ sâu,… phải có biển báo rào chắn, phải có người giám sát và có các kỹ năng sơ cứu.

Và cuối cùng, đó là vấn đề giao thông đường thủy, cần mặc áo phao cho các em khi tham gia giao thông đường thủy. Ở vấn đề này là do ý thức của người lớn.

Tựu chung lại, trách nhiệm của người lớn và kỹ năng của trẻ em có thể cứu trẻ em thoát khỏi việc bị đuối nước.

PV: Để phòng chống đuối nước cho trẻ em, theo ThS. Lê Thị Giang, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp quan trọng mang tính đồng bộ như thế nào?

ThS. Lê Thị Giang: Dưới một góc độ của một nhà chuyên môn, tôi cho rằng, có 4 giải pháp rất cơ bản. Thứ nhất là nâng cao nhận thức. Thứ hai là đào tạo kỹ năng. Thứ ba là quản lý chặt chẽ. Cuối cùng là phối hợp đồng bộ.

Ở đây nói về nâng cao nhận thức sẽ có rất nhiều yếu tố. Trước hết, cần nâng cao nhận thức đối với trẻ em về vấn đề đâu là giải pháp an toàn, đâu là kỹ năng, đâu là những quy định và đâu là những điều các con nên làm ở trong môi trường nước.

Về vấn đề thứ hai là đào tạo kỹ năng. Chúng ta không những đào tạo cho các con biết bơi mà điều đầu tiên là đào tạo những kỹ năng sinh tồn. Các con phải biết đâu là vùng, nơi mình được chơi? Đâu là vùng, khu vực mình không được đến gần? Hoặc gặp trường hợp có người đuối nước, các em sẽ phải làm gì?.

Về giám sát trẻ em, người lớn hãy bỏ điện thoại xuống nhìn con, chơi cùng con khi con đang ở trong môi trường nước. Việc quản lý trẻ ở đây phải được làm liên tục. Không phải con mình biết bơi thì người lớn sẽ bỏ qua, không trông giám sát con. Thực tế về sinh lý cơ thể người ở dưới nước có những trạng thái như chuột rút hoặc là sặc nước, rất cần sự hỗ trợ của người lớn nếu gặp những sự cố này.

Do vậy, việc quản lý trẻ phải được thực hiện liên tục. Và khi con mình ở dưới nước thì lúc đó, 100% bố mẹ cần quan tâm để mắt đến con với một quy tắc không vượt quá 5m so với con, để nếu có trường hợp xảy ra sự cố sẽ có những phản ứng kịp thời.

Về sự phối hợp đồng bộ, nhất là ở trong nhà trường. Nếu nhà trường không có những chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ về triển khai những Chỉ trị của Đảng, Nhà nước về vấn đề này sẽ rất khó cho học sinh nắm bắt. Và nhà trường nếu không có sự trao đổi, hợp tác phối hợp với gia đình thì phụ huynh sẽ không có nhiều ý tưởng để giảng dạy con từ ngay trong chính ngôi nhà của mình.

PV: Về vấn đề này bác sĩ Nguyễn Trọng An có bổ sung thêm gì không? Theo bác sĩ thì đâu là giải pháp căn cơ nhất mà chúng ta cần chú ý đến?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Như tôi đã nói, ngôi nhà an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích rất quan trọng. Làm thế nào để chúng ta nâng cao ý thức của các bậc cha mẹ bảo vệ con mình được an toàn trong chính ngôi nhà của mình theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Thứ hai là trường học an toàn phòng tránh tai nạn thương tích. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2007 đã ra một quyết định Trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích trong trường phổ thông. Sau đó, Bộ tiếp tục ra thêm một quyết định trường mẫu giáo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng ra một quyết định về Cộng đồng an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích,….Điều này nghĩa là tất cả văn bản của Đảng, Nhà nước đã rất đầy đủ để hỗ trợ cho việc thực hiện phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao thực hiện cho tốt những quy định này.

Thứ nữa là nhà trường, cần hỗ trợ cho trẻ em kỹ năng sinh tồn trong nước, sau đó đến các kỹ năng bơi sải, bơi ngửa, bơi ếch,…Vì thế cho nên chúng ta đã có rất nhiều mô hình như bể bơi bằng lưới ở Đồng Tháp di động để dạy trẻ nhỏ. Hoặc tại TP. Hà Nội, đã có các bể bơi thông minh bằng khung sắt,…Bằng mọi hình thức để dạy cho trẻ các kỹ năng sinh tồn.

Đặc biệt, chúng ta làm sao hô khẩu hiệu nhưng cũng phải hành động thực tế. Chính quyền địa phương phải có sự hỗ trợ quan tâm về tiền bạc, về công sức và về các phúc lợi. Bởi vì hè đến, nếu chính quyền địa phương có sự quan tâm, có những điểm vui chơi an toàn, có người hướng dẫn thì trẻ em được thu hút vào những không gian đó; trẻ em không chạy ra ngoài đường, đá bóng, đá cầu, xuống lòng đường… dễ xảy ra tai nạn giao thông; không ra sông, ra suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Cho nên nếu địa phương có góc thư viện, có nơi đá bóng, có nơi học nghệ thuật, múa hát, bể bơi,… sẽ thu hút các em đến những điểm vui chơi an toàn trong dịp hè.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của các vị khách mời!./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN