Giải cứu nông sản - Đâu là giải pháp bền vững?
(ĐCSVN) - Buổi trưa ngày 26/2, vừa ra khỏi cổng cơ quan tại số 1 Liễu Giai, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một hiện tượng khá hy hữu: trên vỉa hè một đoàn người rồng rắn xếp hàng trước một tấm biển có dòng chữ: “giải cứu nông sản hải Dương” dù hàng hóa chưa vận chuyển đến...
Ngành nông nghiệp Hải Dương đã phải chịu thiệt hại ước tính khoảng 400 tỷ đồng. Ảnh: MP |
Đem chuyện này trao đổi với một người bạn kèm nhận xét: Người Hà Nội thật hào hiệp và sốt sắng trong chuyện “giải cứu”. Người bạn cũng hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tôi, nhưng cho biết thêm: Thật ra người ta xếp hàng cũng có một nguyên nhân nữa, đó là do nông sản Hải Dương được “giải cứu” với giá rất rẻ. Chỉ bỏ ra khoảng vài chục ngàn đồng, có thể mua được một bao tải bắp cải hoặc su hào. Còn các loại hoa quả như cam, ổi... cũng với số tiền ấy thì có thể mua được hàng chục kg...
Qua đó có thể thấy, cơn dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát gần đây tại Hải Dương và một số địa phương lân cận đã gây nhiều thiệt hại to lớn cho kinh tế-xã hội và nhiều lĩnh vực khác tại các nơi này, đặc biệt là đối với những người nông dân “chân lấm tay bùn”. Bởi với việc thực hiện các biện pháp cách ly chống dịch, cũng đồng nghĩa với việc do không tiêu thụ được, các loại nông sản đã rớt giá trầm trọng, khiến nông dân phải chịu thiệt đơn thiệt kép, thậm chí nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay... Trong khi đó, dù dịch bệnh COVID-19 hiện tại đã xảy ra trong một thời gian gồm nhiều ngày, không còn là dịch bệnh đột xuất nữa; nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa tìm ra được những giải pháp thực sự khả thi và hiệu quả trong việc hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản của người dân địa phương.
Được biết, ngay từ đầu tháng 2, tỉnh Hải Dương (tâm dịch của đợt bùng phát COVID-19 đầu năm 2021) đã có nhiều có công văn gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương lân cận, đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản. Bởi trước đó, một số địa phương có địa phận giáp ranh Hải Dương đã có quyết định “đóng cửa”, dừng tiếp nhận không chỉ người đến từ Hải Dương, mà còn bao gồm cả các loại hàng hoá, nông sản từ tỉnh này trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó đặc biệt có Hải Phòng, địa phương lâu nay vừa là thị trường tiêu thụ nhiều nông sản, vừa thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hoá chủ yếu của Hải Dương.
Theo con số thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Dương, chỉ riêng việc không được vận tải chuyên chở hàng hóa đi tiêu thụ, ngành nông nghiệp Hải Dương đã phải chịu thiệt hại ước tính lên tới khoảng 400 tỷ đồng. Thiệt hại này đã khiến nông dân hải Dương hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống và phát triển sản xuất...
Theo thông tin, ngày 22/2 vừa qua, Hải Dương đã đề xuất một phương án mới: Chỉ cho phép những lái xe có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính và hàng hoá nông sản tại các chốt kiểm dịch giáp ranh hai địa phương Hải Dương, Hải Phòng để lưu thông. Tuy nhiên hiện tại TP Hải Phòng vẫn chưa thông qua vì muốn có phương án hợp lý hơn để tránh lây lan dịch. Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng và chờ chỉ đạo về vấn đề trên. Đồng thời, Bộ Công thương đã chỉ đạo các sở trực thuộc kết nối một số hệ thống chuỗi bán lẻ nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ “nông sản vùng dịch”. Tuy nhiên, chủ yếu hiện nay việc tiệu thụ nông sản Hải Dương vẫn phải nhờ cậy vào phong trào “giải cứu” tự phát mà đông đảo người dân các vùng, miền phía bắc, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... và một số địa phương khác.
Hiện nay dịch COVID-19 đã phổ biến trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Sau hơn 1 năm dịch xuất hiện trên địa bàn toàn quốc, nền kinh tế - xã hội cũng có thể coi là đã đi vào giai đoạn "phát triển cùng dịch". Như vậy, tất yếu các cơ quan, địa phương, đơn vị và cả xã hội phải có các giải pháp hợp lý, an toàn khi dịch bệnh xảy ra trong khu vực, kể cả việc lưu thông phân phối hàng hóa, nhất là các loại nông sản thiết yếu, thứ hàng hóa chủ yếu của nông thôn Việt Nam và có đặc trưng là không thể để lâu mà không tiêu thụ...
Về việc cấm hàng hoá, nông sản lưu chuyển từ Hải Dương đi tiêu thụ tại các địa phương khác, theo Tiến sỹ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các Vấn đề xã hội, đây là việc làm chưa đúng và thiếu hiệu quả. Bởi các địa phương có thể tự quyết định việc “bế quan tỏa cảng” trong địa bàn, khu vực mình quản lý. Tuy nhiên việc Hải Phòng cấm phương tiện, hàng hóa Hải Dương lưu thông trên tuyến quốc lộ 5, là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối nhiều địa phương phía bắc thì chưa đúng thẩm quyền. Trước thực trạng trên, Chính phủ cần sớm có sự chỉ đạo, điều phối để có một chính sách đồng bộ, thống nhất, hợp lý và kịp thời, tạo điều kiện để các địa phương cùng thực hiện hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, tránh để tình trạng “mạnh nơi nào nơi ấy làm". Nếu được như vậy thì sẽ không còn tình trạng tồn đọng, hư hỏng nông sản, gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội và nông dân Hải Dương như hiện nay.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng cho rằng: Thực trạng trên cho thấy, việc phòng chống dịch COVID-19 và các hệ lụy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành và sự hợp tác, phối hợp của các bên liên quan ở các cấp độ khác nhau, có cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, điều phối nhiệm vụ hợp lý; trong đó bao gồm cả việc đảm bảo ổn định sản xuất và cung ứng, tiêu thụ nông sản. Đây đồng thời cũng chính là điều kiện rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để có thể đạt được kết quả nhanh và bền vững trong phòng chống dịch.
Bàn về phong trào “giải cứu nông sản” hiện nay, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, nông nghiệp là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, có tác động rất lớn nhất đến người dân. Nên việc xây dựng phương án kinh doanh phải tính trước các kế hoạch dự phòng, nêu cao năng lực quản lý, để khi có rủi ro xảy ra thì sản xuất kinh doanh vẫn có thể phát triển bền vững, chủ động, không thể chỉ trông chờ vào việc giải cứu./.