Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gia tăng trẻ em Việt Nam mắc đái tháo đường

Chủ Nhật, 12/11/2023 20:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu cấp bách và lớn nhất của thế kỷ 21. Đái tháo đường đang có xu hướng tăng ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Nước ta hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 5-7% là tuýp 1.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường (14/11), tối 11/11, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức hoạt động “Thắp sáng xanh lam” nâng cao nhận thức về đái tháo đường.

Buổi lễ “Thắp sáng xanh lam” với sự tham gia của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Pryt; Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam Trần Minh Điển cùng các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn y tế, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Buổi lễ cũng thu hút hàng ngàn lượt khách đi bộ quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau tìm hiểu, nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường, đặc biệt là tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ, phát hiện sớm đái tháo đường và các biến chứng của bệnh.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Chăm sóc bệnh đái tháo đường trên trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam” - CDiC giai đoạn 2023 - 2025. CDiC là chương trình hợp tác công tư, được khởi xướng bởi Novo Nordisk với sự tham gia của các đối tác toàn cầu như Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), Quỹ đái tháo đường thế giới (WDF)...

Một nửa số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán 

Phát biểu tại sự kiện, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đái tháo đường là mối đe doạ sức khoẻ công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề cấp bách y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá  trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

 TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: ĐT)

Thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cho thấy, năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.

“Tuy nhiên có đến một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Nhưng thật lạc quan, 70% trường hợp đái tháo đường tuýp 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khoẻ mạnh”, TS Vương Ánh Dương thông tin.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường

Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho hay: Các bệnh viện nhi, sản nhi các tuyến thuộc hệ thống nhi khoa tích cực khám chữa bệnh cho nhóm trẻ em mắc đái tháo đường tuýp 1 từ nhiều năm nay.

"Tại Việt Nam, số liệu tích luỹ đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm"- PGS.TS Điển nói và thông tin thêm: Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn và tri giác.

Đái tháo đường tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

 PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, Bệnh viện Nhi TW đang theo dõi, điều trị ngoại trú cho khoảng 1000 trẻ bị đái tháo đường. (Ảnh: ĐT)

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận. "Mặc dù BHYT hiện chi trả thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng cho gia đình" - ông Điển nói.

Được sự hỗ trợ từ chương trình CDiC, Hội nhi Khoa Việt Nam phối hợp cùng nhiều bệnh viện và hiệp hội chuyên khoa trong cả nước thông qua các hoạt động đào tạo dành cho nhân viên y tế, chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cho bệnh nhân, hỗ trợ thiết bị đo đường huyết cá nhân, đóng góp chuyên môn xây dựng hướng dẫn điều trị đái tháo đường tuýp 1 trên trẻ em…

Thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Dịp này, Bộ Y tế đã kêu gọi toàn thể mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, quan tâm và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác. Hãy sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường.

Với các nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người; tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả.

Đối với các nhà hoạch định chính sách cần xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân chúng ta không mắc bệnh đái tháo đường hoặc chung sống có chất lượng với bệnh đái tháo đường.

 Các diễn giả thông tin về các nội dung liên quan đến điều trị bệnh đái tháo đường tại sự kiện. (Ảnh: ĐT)

Để thực hiện các hành động này, Bộ Y tế đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân hãy cùng quan tâm, cảnh giác với bệnh đái tháo đường, cùng thắp sáng màu xanh hy vọng vào tương lai tươi sáng của hoạt động phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường tại Việt Nam. Hãy cùng nhau hành động ngày hôm nay để thay đổi tương lai của bệnh đái tháo đường.

Kết thúc buổi lễ, các đại biểu đã cùng chung tay thắp sáng xanh lam tòa nhà Bưu điện Hà Nội - một công trình mang dấu ấn lịch sử và là biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Đây là một hoạt động biểu tượng về sự chung tay hành động trong hoạt động phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Được biết, Chiến dịch hưởng ứng Ngày phòng, chống bệnh đái tháo đường Thế giới năm 2023 được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” và thông điệp cụ thể “Hiểu nguy cơ, Biết hành động” (Know your risk, Know your response) tập trung vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường để giúp phòng và trì hoãn bệnh tiến triển.

Chiến dịch cũng đồng thời nêu bật tác động của các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin và chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời và quản lý bệnh đái đường túyp 1, túyp 2 và đái tháo đường thai kỳ, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đang chung sống cùng bệnh./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN