Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gia tài của lính...

Thứ Sáu, 30/06/2017 12:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đã tròn một năm sau thảm họa đau lòng của chiếc máy bay CASA-212 khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm đồng đội gặp nạn trên chiến đấu cơ Su 30 MK2. Bộ Quốc phòng đã xác nhận 9 thành viên tổ bay CASA hy sinh, nhưng chỉ có 8 người lính được trở về trong lòng đất mẹ. Liệt sỹ Lê Đức Lam, chỉ còn anh nữa, vẫn còn đâu đó giữa lòng biển khơi!


Tổ bay CASA-212 hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu nạn SU 30 MK2 (Ảnh: danviet.vn)

Thượng úy Lam lên đường làm nhiệm vụ khi vợ anh đang có bầu 6 tháng. “Gia tài” anh để dành lại cho ngày vợ sinh chỉ là con lợn đất được “nuôi” trong suốt nửa năm ròng. Nửa năm. Nói với Đại tá Ngô Quang Trung, phụ trách dẫn đường trên không của Phi đội 1, anh khoe đã tiết kiệm được 1,5 triệu đồng. Dự định của 2 vợ chồng là sẽ đập con lợn đất để làm sổ tiết kiệm khi con trai của họ tròn 1 tuổi. Giỗ đầu anh Lam, bé Lê Đức Dũng tròn 9 tháng tuổi. Con lợn đất vẫn còn đó, nhưng anh chưa về!

Chúng tôi đã có mặt trong tang lễ 9 người lính hy sinh trên chuyến bay định mệnh của CASA-212 tại Hà Nội. Gia tài của họ, ngoài những giọt nước mắt người thân, còn có nụ cười ngây ngô của con trẻ. Đồng đội của họ có người đã phải nghiến răng kìm nén khi nhìn thấy 9 lá quốc kỳ kiêu hãnh bao bọc các anh. Gia tài của lính nhiều khi đơn giản lắm, chỉ cần một cánh tay chào!

Trước khi CASA-212 cất cánh, phóng viên báo chí đã được yêu cầu không tham gia vì khả năng gặp thời tiết xấu. Rất nhiều nhà báo vẫn nhớ điều đó, vẫn nhớ sự nghiêm nghị xen lẫn thấp thỏm của tổ bay khi đồng đội của họ vẫn còn đâu đó ngoài kia. Những gì các anh để lại, còn là sự day dứt và cảm giác khó tả thành lời của những người ở lại.

Máu người lính vẫn đổ trong thời bình, dù không ai muốn. Dù thông điệp “Tổ quốc và nhân dân yêu cầu các anh hãy trở về” đã mang theo mong mỏi của hàng triệu người trên cộng đồng mạng. Sự thật vẫn là sự thật. Gia tài những người lính để lại, là nỗi đau và cả sự bình yên cho đất nước này.

Những người lính ra đi, dù ở hoàn cảnh nào, cũng để lại những ước vọng cháy bỏng về giá trị không gì có thể đánh đổi của hòa bình. Nó có thể chỉ là một con lợn đất mừng ngày sinh nhật con trẻ. Là mỗi dịp nghỉ phép về sum vầy trong mái ấm. Là bữa cơm tự nấu sau những ngày xa nhà. Hay cơ hội để được đưa vợ, đón con như những người bình thường nhất. Gia tài của lính chính là lời nhắc nhở sự trân quý những giây phút bình yên. Để không còn chiến tranh hay đối đầu. Hay đơn giản, để những người vợ lính không còn phải đeo cả 2 nhẫn cưới trên ngón tay mình...

Không thể kể hết những hy sinh vất vả của người lính trong thời bình. Không ai quên, những cơn thịnh nộ của đại dương ở thập niên 90 tại các nhà giàn, nơi các chiến sỹ Hải quân chấp hành nhiệm vụ cho đến hơi thở cuối cùng. Những chuyến bay huấn luyện trở thành thảm kịch với UH-1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Mi-171 tại Hà Nội, hay EC-130 ở Vũng Tàu. Và cả Su30 MK2 lẫn CASA-212 nữa. Những người lính ấy không cô đơn! Họ không chỉ để lại nỗi xót xa, mà còn là niềm cảm phục. Cả dân tộc như đã cùng ở bên họ trong những phút giây định mệnh ấy. Để những sự hy sinh không vô nghĩa bao giờ!

Một năm rồi, bố mẹ anh Lam vẫn khóc khi nhắc về con. Vợ anh, chị Đỗ Thị Thúy Nga chắc chắn vẫn mang theo những vết thương chưa thể lành sẹo. Nhưng gia tài của Thượng úy Lam đã không chỉ còn một con lợn đất với 1,5 triệu đồng nữa. Anh đã có một chàng trai-đứa con của lính. Một người sẽ lớn lên với hành trang là lòng can đảm và niềm tự hào từ người cha chưa biết mặt. Và cả sự chung tay từ xã hội nữa, kể từ ngày anh đi.

Niềm tin và sự chia sẻ. Sự đồng cảm và lòng biết ơn. Đôi khi, đó lại chính là gia tài vô giá mà người lính cần nhất. Để họ tiếp tục con đường đã chọn. Chọn bình yên cho Tổ quốc này./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN