Gia Lai: Nâng cao kiến thức và kỹ năng “làm mẹ an toàn”
(ĐCSVN) - Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn.
Quang cảnh lớp tập huấn (Ảnh: Như Nguyện) |
Lớp tập huấn diễn ra trong hai ngày 18 và 19/12 tại thành phố Pleiku, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
Tham gia tập huấn có 22 nhân viên y tế và những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng của các xã dự án thuộc các huyện Mang Yang, Chư Sê và Kông Chro.
Tại khuôn khổ chương trình tập huấn, các học viên được giảng viên đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai thông tin tình hình tử vong mẹ tại khu vực Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai; các kiến thức về làm mẹ an toàn; yếu tố ảnh hưởng đến sinh con ở cơ sở y tế và sử dụng các biện pháp tránh thai; làm thế nào để bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế và thực hiện kế hoạch hóa gia đình,…
Lớp tập huấn cũng giúp các học viên xác định nhóm đối tượng về truyền thông làm mẹ an toàn; các kỹ năng truyền thông trực tiếp; tổ chức buổi truyền thông cá nhân về làm mẹ an toàn cho những người còn do dự; kỹ năng truyền thông cho những người có ảnh hưởng ở cộng đồng về làm mẹ an toàn; xây dựng kế hoạch truyền thông cho cá nhân tại thôn, bản nhằm tăng cường sinh con ở cơ sở y tế…
Sau tập huấn, các học viên có thêm kiến thức, kỹ năng trong tuyên truyền vận động tại cộng đồng về làm mẹ an toàn.
Ảnh minh họa: KG |
Đặc biệt, đối với những người có uy tín tại cộng đồng, qua tập huấn sẽ có thêm kiến thức tuyên truyền và vận dụng hiệu quả các kỹ năng trong hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng giúp các bà mẹ có kiến thức về làm mẹ an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, ngăn ngừa tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn.
Thời gian vừa qua, Gia Lai thực hiện nhiều nỗ lực để giảm tử vong mẹ. Trong đó, giảm tử vong mẹ ở vùng dân tộc thiểu số Gia Lai là mục tiêu của Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phối hợp với Công ty dược phẩm sinh học MSD tại trợ. Dự án được triển khai trong 3 năm (từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2023) ở 60 xã dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của 6 tỉnh khó khăn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai. Tại Gia Lai, Dự án được triển khai tại 14 xã khó khăn nhất của 4 huyện nghèo là Mang Yang, Chư Sê, Chư Păh, Kông Chro./.