Gia Lai: Mở rộng canh tác nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng
(ĐCSVN) - Phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bước đầu có định hướng tốt. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó, mở rộng canh tác nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng.
Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Ia Grai (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Gia Lai là tỉnh miền núi, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam và là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên. Gia Lai có lợi thế về giao thông đi lại thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với nhiều địa phương trong nước và quốc tế.
Với đặc thù là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho Gia Lai phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn và hội tụ được các yếu tố cần thiết để hình thành trung tâm cây ăn quả, rau, hoa, dược liệu, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn.
Hiện nay, Gia Lai có khoảng 239.246 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối tượng tham gia liên kết gồm 95 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, trên 23.806 hộ nông dân và trên 69 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, an toàn trong thời gian tới.
Theo đồng chí Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, với tiềm năng của mình, tỉnh Gia Lai rất quan tâm kêu gọi, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, hình thành chuỗi liên kết, xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt là mở rộng canh tác nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng.
Đồng chí Đoàn Ngọc Có cho biết, tỉnh đã có 6 đơn vị (03 doanh nghiệp và 03 hợp tác xã) được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN, Mỹ (USDA), Hàn Quốc, Nhật Bản (JAS), Châu Âu (EU) cho 151,7 ha cây trồng. Các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ của tỉnh đã được người tiêu dùng đón nhận, ủng hộ và đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số hộ nông dân đang tham gia thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cây cà phê, hồ tiêu, trái cây.
Toàn tỉnh hiện có 693 nhãn hiệu hàng hóa thông thường đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ, có 9 nhãn hiệu chứng nhận, 3 chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra có 5 nhãn hiệu đã đăng ký và chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bước đầu có định hướng tốt, tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn.
Nhiều nông dân huyện Kbang đầu tư trồng cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Ngọc Sang |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, một trong những khó khăn chính là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế khu vực nông thôn thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và Nhân dân còn hạn chế; trình độ sản xuất nông nghiệp chưa cao, khả năng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng nên khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong công tác phòng, chống sâu bệnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện liên kết sản xuất chưa tốt, chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Hoạt động nghiên cứu khoa học mặc dù bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên chưa phát huy hết được các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Công tác tuyên truyền, vận động có nơi còn chưa được đổi mới, chưa đi vào chiều sâu, nội dung hình thức tuyên truyền chưa phong phú, nên chưa thay đổi rõ nét nhận thức của người dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch,...
Để phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 27/11/2023 về việc Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó đến năm 2025, diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp; đến năm 2030 diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó tập trung vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh chủ lực như: cà phê, tiêu, chè, điều , mía, lúa, cây ăn quả, sản phẩm mật ong, thịt gia súc, gia cầm, ...
Gia Lai cũng sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đến người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, định hướng phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian tới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các sáng kiến và kinh nghiệm hay, có hiệu quả về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để nhân ra diện rộng.
Cùng với đó, Gia Lai sẽ tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác (thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, giảm bớt các khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ hữu cơ.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng mô hình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tỉnh cũng sẽ thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu và sử dụng các sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với dịch hại tốt, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra cũng sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. Đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ về quy trình sản xuất nông lâm, thủy sản hữu cơ.
Gia Lai có 4 sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh. Trong đó, có 59.654,17 ha cà phê, chè, tiêu, rau quả được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C, UTZ. Có 11 trang trại, hộ chăn nuôi chăn nuôi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, 01 cơ sở chăn nuôi bò được chứng nhận GlobalGAP, 03 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu với tổng công suất 1.550 - 1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ.... |