Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giá dầu châu Á giảm phiên thứ ba liên tiếp

Thứ Hai, 16/08/2021 16:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giá dầu trên thị trường châu Á đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng 16/8, đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp sau khi các số liệu công bố chính thức cho thấy, hoạt động sản xuất của các thị trường tiêu thụ dầu lớn tại châu lục đang chậm lại do đợt bùng phát mới đại dịch COVID-19.

Giá dầu châu Á giảm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của các thị trường nhập khẩu dầu lớn của châu lục. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, giá dầu thô Brent giảm 90 xu Mỹ (tương đương 1,3%) xuống 69,69 USD/thùng vào lúc 7 giờ 46 phút. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 97 xu Mỹ (khoảng 1,4%) xuống 67,47 USD/thùng, sau khi ghi nhận mức tăng nhẹ vào tuần trước.

Dữ liệu được công bố cho thấy, lũ lụt cũng như đợt bùng phát mới đại dịch COVID-19 đã khiến sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7. Trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố các số liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư vào đô thị trong tháng vừa qua.

Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets ở Singapore, cho biết: “Sự suy yếu của giá dầu tương lai có thể được kích hoạt bởi dữ liệu tăng trưởng yếu hơn so với dự kiến từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu lớn của thế giới”.

Hoạt động chế biến dầu thô của Trung Quốc trong tháng trước cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Tại Nhật Bản - nước nhập khẩu dầu lớn thứ 4 thế giới, nhiều nhà phân tích nhân định tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ ở mức "khiêm tốn" trong quý hiện tại do Chính phủ Nhật Bản phải gia hạn các lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục, vốn đang ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu của các hộ gia đình.

Các nhà phân tích cho rằng, GDP của Nhật Bản sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý III/2021 do chi tiêu tiêu dùng và hoạt động sản xuất tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra sức ép cho nền kinh tế.

Trước đó, ngày 12/8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp) dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ giảm “đáng kể” trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo báo cáo hàng tháng của IEA, cơ quan này dự đoán rằng việc sử dụng nhiên liệu trên thế giới sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên trung bình 96,2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó do diễn biến xấu của dịch bệnh.

IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu “đột ngột đảo chiều” vào tháng trước và giảm nhẹ sau khi tăng 3,8 triệu thùng/ngày vào tháng 6 do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh làm gián đoạn hoạt động tại nhiều quốc gia tại châu Á.

Tuy nhiên, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, đạt trung bình 98,8 triệu thùng/ngày trong bối cảnh các nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch./.

Hoài Hà (Theo Reuters, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN