Gia cố vai trò “tấm lá chắn” vững chắc
(ĐCSVN) - Từ 1/1/2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và nhiều văn bản hướng dẫn chính thức có hiệu lực, những điểm mới của luật kỳ vọng sẽ tạo ra “cú huých” và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, ổn định và bền vững cả về “lượng” và “chất”. Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục thể hiện rõ nét hơn vai trò “tấm lá chắn” vững chắc trước các rủi ro.
Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục thể hiện rõ nét hơn vai trò “tấm lá chắn” vững chắc trước các rủi ro (Ảnh: M.P) |
Bước sang năm 2023, nhiều chuyên gia và các định chế tài chính đều có chung quan điểm khi đưa ra dự báo: trong năm nay, nền kinh tế sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và thị trường tài chính, tiền tệ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục… Trong bối cảnh diễn biến thực tế sát dự báo, khả năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn về kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm. Cùng với đó, các chuyên gia cũng kỳ vọng, với việc Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và nhiều văn bản hướng dẫn chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, khung khổ pháp lý mới sẽ tạo được “cú huých” về quy mô và chất lượng phát triển cho thị trường bảo hiểm ngay trong năm nay và các năm tiếp theo.
Thực tế, theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến 12/12/2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm trước. Cũng trong năm 2022, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,56%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526.559 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2021… Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với năm 2021, trong đó các doanh nghiệp ngành bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Trưởng - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), cũng cho rằng, những thách thức năm 2022 đã tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, đặc biệt là mảng phi nhân thọ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ các yếu tố hậu dịch bệnh, song nhờ nỗ lực vượt khó, phần lớn các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, vẫn duy trì tăng trưởng dương. Chúng tôi dự báo rằng, thị trường bảo hiểm năm 2023 sẽ có những tiến triển tích cực hơn nhờ tổng số vốn đầu tư công dự kiến tăng gần 29%, các dự án trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư và là tiền đề để thị trường bảo hiểm phát triển. Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc triển khai các kế hoạch kinh doanh.
Có chung quan điểm này, ông Nguyễn Kim Lân - Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nhận định, năm 2023 thị trường sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Thị trường sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định, tuy nhiên, mức tăng trưởng có thể sẽ không cao như năm 2022, do thị trường tăng trưởng trên nền doanh thu thấp của 2021. Bên cạnh việc phải nỗ lực chạy đua công nghệ để tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa nguồn chi phí, doanh nghiệp ngành bảo hiểm cũng sẽ phải đối mặt với việc tỷ lệ bồi thường hai nghiệp vụ chính là bảo hiểm xe và bảo hiểm con người tiếp tục tăng nhanh.
Mặt khác, trong năm 2023, thị trường bảo hiểm cũng sẽ đón nhận và chính thức áp dụng nền tảng pháp lý mới khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực. Chúng tôi tin tưởng rằng, những quy định pháp lý mới sẽ hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, từ đó góp phần giúp thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn về quy mô, tăng tính an toàn và bền vững. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ có hiệu lực có thể làm tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp ngành bảo hiểm “nội” đổi mới quản trị, tìm cách bổ sung nguồn vốn, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ở góc độ cơ quan quả lý nhà nước về lĩnh vực này, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Ngô Việt Trung cũng cho biết, so với năm 2021, các chỉ tiêu lớn của thị trường năm 2022 cũng duy trì ở mức tương đương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm gặp nhiều áp lực hơn khi giá trị chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng khá mạnh trong bối cảnh rủi ro của khách hàng tăng lên sau đại dịch COVID-19. So sánh với dự báo của chúng tôi đưa ra từ đầu năm, nhiều chỉ tiêu định lượng lớn trên thực tế cũng đều cơ bản đạt hoặc chỉ giảm nhẹ, như tổng tài sản, đầu tư trở lại nền kinh tế,... Trong đó, đáng lưu ý là chỉ tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm thấp hơn dự báo và chi trả quyền lợi bảo hiểm cao hơn dự báo. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã phần nào thể hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, góp phần tích cực vào sự hồi phục của nền kinh tế đất nước sau đại dịch.
Từ 1/1/2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và nhiều văn bản hướng dẫn chính thức có hiệu lực. Những điểm mới của Luật kỳ vọng sẽ tạo ra “cú huých” và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, ổn định và bền vững. Bởi thực tế, so với các quy định pháp lý trước đây, Luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp ngành bảo hiểm, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp ngành bảo hiểm theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp ngành bảo hiểm có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Cùng với đó, theo ông Ngô Việt Trung, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp ngành bảo hiểm trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm không phải phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước kia mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm. Để Luật Kinh doanh bảo hiểm đi vào cuộc sống, chúng tôi tiếp tục chủ trì hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường. Hiện nay, cơ quan quản lý đang chủ trì xây dựng 3 nghị định và 3 thông tư quy định chi tiết luật.
Thiết nghĩ, với sự thay đổi mạnh mẽ từ định hướng pháp lý đến sự phù hợp, tương thích với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng trưởng về quy mô, cải thiện về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Đặc biệt, trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế cao, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ... việc nền tảng pháp lý cơ bản hoàn thiện kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”. Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục thể hiện rõ nét hơn, gia cố vai trò “tấm lá chắn” vững chắc trước các rủi ro./.