Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Ghi tên trong sổ đỏ để bảo vệ người có quyền sử dụng đất"

Thứ Năm, 23/11/2017 18:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo thông tư số 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, từ ngày 5/12/2017, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ phải ghi tên đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Điều này đang gây nhiều tranh cãi và có ý kiến cho rằng sẽ làm tăng các thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân khi làm sổ đỏ, từ đó phát sinh những tiêu cực và cuối cùng vẫn người dân chịu thiệt.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 4, Quốc hội ngày 23/11 về quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dân, dù cơ quan quản lý vất vả hơn.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 23/11. Ảnh: Thùy Dương

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy định trên là việc cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất đối với lô đất đó. Với quy định này, khi chủ sở hữu mảnh đất sinh con hay một người khác đến ở chung thì người con hay người đến ở chung không có quyền, bởi họ không có mặt, không tham gia tạo lập đất. Như vậy, mục đích của thông tư là bảo vệ quyền lợi những người có quyền sử dụng đất chứ không bảo vệ những người trong khái niệm theo hộ gia đình.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy dẫn chứng trong đất đền bù, việc ghi tên ai vào sổ đỏ sẽ giúp xác định người đó là thành viên vào thời điểm đền bù, cấp đất, qua đó bảo vệ quyền lợi của người này. “Giả sử không cá thể hóa mà chỉ cấp sổ đỏ cho ông A đứng tên chủ hộ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Những người tại thời điểm cấp đất thực tế sống trong hộ gia đình, có trong hộ khẩu thì làm sao bảo vệ được quyền lợi của họ", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, những người có quyền sử dụng với mảnh đất là những người tại thời điểm giao đất, đền bù đất có tên trong hộ khẩu và những thành viên này bình đẳng với nhau.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, luật trước đây lỏng lẻo, không cá thể hóa. Còn bây giờ cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất trong đó chứ không phải tất cả các thành viên trong gia đình. “Thông tư này đang giải quyết hậu quả của một thời kỳ mình cấp cho hộ gia đình, trong hộ có nhiều người được quyền sử dụng, đứng tên. Hiện, chúng ta từng bước cá thể hóa. Đây là việc cần thiết phải làm để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người. Đây cũng là yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan này đề nghị ghi rõ cá thể chứ không thể để chủ thể, theo hộ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, trước đây khi cấp đất cho hộ dân, Nhà nước xem xét trong gia đình có bao nhiêu người, căn cứ định mức cấp đất cho mỗi người để quyết định cấp bao nhiêu đất cho hộ đó. Tuy nhiên, thời trước, đất chưa có giá trị và khái niệm hộ sở hữu chung vẫn còn nên “mọi người vui vẻ để một người đứng ra đại diện”. Qua thời gian, đất đai được cá thể hóa, không có khái niệm chung như trên, nên việc ban hành thông tư là "việc cần thiết phải làm" để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, thông tư không làm các thủ tục liên quan đến đất đai phức tạp hơn. "Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn. Khi có tranh chấp thì sẽ xem xét bình đẳng và khi đó Toà án cũng có cơ sở xử lý”, Bộ trưởng nói.

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Thông tư này được coi là một trong những điểm mới nhằm loại bỏ tình trạng người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, sau đó các thành viên khác trong gia đình không đồng ý, dẫn tới tranh chấp; hạn chế tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

 

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN