Gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để sản phẩm OCOP phát huy tối đa lợi thế
(ĐCSVN) – Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Phạm Hồng Quất, việc các doanh nghiệp quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một hướng đi đúng đắn, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
255 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lênNgày 11/11 tại thành phố Bắc Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tỉnh Bắc Giang”.
Báo cáo tại hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Bắc Giang thuộc tốp đầu các địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tỉnh Bắc Giang”. Ảnh: TL |
Hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 255 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề, làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, có rất ít các sản phẩm được chế biến sâu. Hiện nay, đa phần quy mô của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn nhỏ, thiếu thiết bị, máy móc. Do đó việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn có nhiều hạn chế, đặc biệt trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chưa có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển các sản phẩn OCOP nhằm nâng cao giá trị hàng hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tỉnh Bắc Giang. Đây là vấn đề tồn tại nhưng đồng thời cũng là dư địa để có thể khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Phạm Hồng Quất khẳng định, việc các doanh nghiệp quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một hướng đi đúng đắn, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Để các sản phẩm OCOP phát huy tối đa lợi thế
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, dư địa khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Bắc Giang lớn, nhưng công tác thúc đẩy, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp khu vực nông nghiệp còn gặp một số khó khăn, tồn tại do quy mô các dự án, cơ sở khởi nghiệp còn nhỏ lẻ; chưa có kết nối giữa các nhóm, các mô hình; chưa có doanh nghiệp lớn dẫn dắt; các mô hình có xu hướng chưa chú trọng đến khâu nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ chú ý đến bề nổi là tập trung vào sản xuất các sản phẩm phục vụ các cuộc thi, bình chọn.
Để phát triển sản phẩm chế biến, quá trình khởi nghiệp cần có sự tư vấn và chuyển giao công nghệ từ chuyên gia giỏi thì mới rút ngắn thời gian từ nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm. Mặt khác, cần chọn lọc một số sản phẩm chủ đạo (nếu lựa chọn được một sản phẩm) thì càng tốt bởi khởi nghiệp luôn có giới hạn về vốn, năng lực và thị trường.
Một số ý kiến cũng chia sẻ, trong quá trình khởi nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, cần tập trung nguồn lực và luôn bám sát vào thị trường; xác định nhóm sản phẩm chủ lực, tránh làm quá nhiều sản phẩm trong khi nguồn lực hạn chế. Chủ thể khởi nghiệp làm toàn bộ các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ thì cần xây dựng đội ngũ đảm bảo chuyên nghiệp từ vùng nguyên liệu tới chế biến, kinh doanh. Đồng thời, luôn tìm cách để có được đội ngũ tư vấn ở các khía cạnh khác nhau. Tỉnh Bắc Giang cần thực hiện tốt đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025”, xây dựng thành công các mô hình sản xuất được chứng nhận hữu cơ.
Các ý kiến tại hội thảo góp phần để ngành chuyên môn tham mưu, đưa ra những định hướng chính, giúp các sản phẩm OCOP phát huy tối đa lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân làm giàu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn, gợi mở, đưa ra giải pháp khởi nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP và xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn khoa học với sự tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tập trung vào các giải pháp phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn./.