Gần 4,5 triệu người tử vong vì COVID-19 trên thế giới
(ĐCSVN) – Đến sáng 28/8, thế giới có tổng số 216.163.723 ca nhiễm và 4.497.696 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 711.276 ca nhiễm và 9.900 ca tử vong mới.
Kiểm tra nhằm phát hiện người mắc COVID-19 tại Pháp. (Ảnh: AFP) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 28/8, đã có 193.149.500 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.516.527 ca bệnh đang điều trị, có 18.403.708 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 112.819 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 190.370 ca nhiễm mới, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (46.805 ca) và Anh (38.046 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.304 ca, sau đó là Mexico (835 ca) và Nga (798 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 69.138.050 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 28/8, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 265.505 ca nhiễm mới và 4.088 ca đã tử vong do COVID-19. 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 32.649.130; 6.311.637 và 4.869.414 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong cao nhất là Ấn Độ (437.403 ca); Indonesia (130.781) và Iran (105.287 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 140.028 ca nhiễm và 1.483 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 54.882.553 ca nhiễm và 1.167.733 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Pháp và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 6.844.046; 6.673.336 và 6.666.399 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, Nga cũng là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 180.041 ca, sau khi ghi nhận thêm 798 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (132.243 ca) và Italy (129.002 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 47.417.485 ca, trong đó có 987.247 ca tử vong và 37.342.814 ca được điều trị khỏi. Với 39.540.401 ca nhiễm và 653.405 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 3.291.761 và 1.486.437 ca nhiễm, cùng 256.287 và 26.890 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 37.070 ca nhiễm và 1.103 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 36.804.981 ca và 1.126.911 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 27.345 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 5.807 ca và Colombia với 2.078 ca. Cùng với đó, với 791 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 153 ca tử vong mới và Colombia với 81 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 28/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.763.817 ca, trong đó có 193.805 ca tử vong và 6.840.517 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.747.018 ca nhiễm và 81.187 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 12.045 ca nhiễm mới và 361 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 843.357 và 654.798 ca nhiễm bệnh cùng 12.268 và 23.030 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 156.116 ca nhiễm (tăng 1.251 ca) và 2.081 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 28 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 976 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 48.816 ca, trong đó 991 ca tử vong (tăng 2 ca).
Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự lây lan của biến thể Delta đang là mối đe dọa với nhiều nước thế giới khi số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Hiện hầu hết các nước đều mong muốn đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trước khi các biến thể mới có khả năng xuất hiện và gây ra làn sóng dịch bệnh mới. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine vẫn còn tồn tại trên toàn cầu khi nhiều nước nghèo vẫn chỉ được tiếp cận với rất ít vaccine.
Trong bối cảnh đó, Nhóm các nhà lãnh đạo đa phương, bao gồm người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung lưu ý rằng hiện mới có chưa đầy 2% số người trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Con số này quá thấp so với mức gần 50% ở các nước có thu nhập cao. Nhóm trên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng bất bình đẳng vaccine đang tạo ra “khoảng cách nguy hiểm” về tỷ lệ sống sót trong COVID-19, cũng như trong nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nhóm các nhà lãnh đạo đa phương kêu gọi Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) "khẩn trương" thực hiện các cam kết chia sẻ vaccine, bởi hiện mới có chưa đầy 10% số liều vaccine được cam kết chia sẻ được chuyển đi. Bên cạnh đó, nhóm này còn kêu gọi các nước loại bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vaccine ngừa COVID-19.
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định khôi phục một số hạn chế để phòng, chống COVID-19, trong đó có các yêu cầu cách ly và xét nghiệm đối với những người chưa tiêm vaccine đến từ Mỹ và 5 nước khác. Theo đó, các quốc gia EU đã bắt đầu loại Mỹ khỏi danh sách các nước có công dân có thể đi đến 27 nước trong khối mà không phải chịu hạn chế bổ sung liên quan đến COVID-19. Danh sách không ràng buộc hiện có 23 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Qatar và Ukraine. Hiện một số nước thành viên EU cũng đã áp đặt hạn chế riêng đối với các du khách đến từ Mỹ. Nếu không có nước nào phản đối, quyết định về hạn chế đi lại mới của EU đối với người nước ngoài sẽ chính thức được ban hành vào ngày 30/8 tới./.