Fomosa phải có trách nhiệm khi gây ra hậu quả môi trường
(ĐCSVN) – Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân, thủ phạm khiến cá chết hàng loạt tại biển miền Trung, đồng thời C.Ty Fomosa Hà Tĩnh gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu USD vì gây ra một số sự cố đặc biệt nghiêm trọng về môi trường..., chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến từ dư luận xung quanh vấn đề này.
Anh Nguyễn Đức Quang (Hà Tĩnh)
Anh Nguyễn Đức Quang, ngư dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ: Tôi nghĩ việc Fomosa xin lỗi và bồi thường là việc đương nhiên họ phải làm vì họ đang khắc phục hậu quả do chính họ gây ra. Là người dân chúng tôi chẳng lấy gì làm hả hê, bởi được bồi thường 500 triệu đô, chúng tôi không nghĩ nhiều hay ít nhưng chúng ta đã mất quá nhiều, đó là môi trường biển, là vùng biển mưu sinh truyền thống ngàn đời của ngư dân ven biển chúng tôi sẽ không thể nào còn lành lặn được như xưa nữa, mà nó đã bị các hóa chất thải độc hại của Fomosa hủy hoại, đầu độc lâu dài. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng của chúng ta cần quy trách nhiệm cho Fomosa với các hậu quả môi trường mà họ gây ra cho con người, cũng như môi trường biển của chúng ta. Tôi ví dụ, khoảng 2 – 3 năm nữa, người dân vùng ảnh hưởng như chúng tôi không may phát bệnh nguyên nhân liên quan đến chất ô nhiễm của Fomosa thì trách nhiệm của họ như thế nào? Hoặc 5 năm, 10 năm nữa vùng biển không thể phục hồi, không có cá để đánh bắt thì Fomosa có trách nhiệm thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thơm (Quảng Bình)
Bà Nguyễn Thị Thơm, 67 tuổi, cán bộ hưu trí ở tỉnh Quảng Bình cho biết: Tuy có nhiều luồng dư luận trái chiều, nhưng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết sự cố môi trường khiến cá chết ở biển miền Trung thời gian qua. Khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đến các địa phương nắm tình hình thực tế, đồng thời có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời đối với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương nhằm hỗ trợ ngư dân cũng như việc nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các động thái trên đã kịp thời trấn an dư luận, hạn chế tối đa tâm lý hoang mang trong người dân; ngăn chặn kịp thời hành động của kẻ xấu, lợi dụng việc cá chết để làm phức tạp hóa tình hình, gây mất ổn định an ninh chính trị - xã hội, đồng thời làm thất bại các thủ đoạn chính trị nguy hiểm của chúng, trong đó có việc chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Ông Phạm Văn Niên (Hải Phòng)
Ông Phạm Văn Niên ở Hải Phòng cho rằng: Mặc dù rất áp lực, nhưng tôi đánh giá cao sự bình tĩnh, chín chắn, xử lý chính xác vấn đề trong từng bước đi của các bộ, ngành liên quan của chúng ta. Là người dân, chúng tôi nhận thấy sự cố môi trường ở biển miền Trung có nhiều yếu tố phức tạp. Một sai lầm nhỏ có thể để lại hậu quả khó lường, thậm chí không có cơ hội sửa sai. Các bộ, ngành đã kiên trì lắng nghe, nhìn nhận sự việc trên cơ sở biện chứng khoa học, chờ kết luận chính thức của các cơ quan chuyên môn và tham mưu, nhằm đi đến kết luận cuối cùng đảm bảo chính xác, loại bỏ triệt để các suy đoán cảm tính. Và thực tế đã chứng minh điều đó, khi ngày 30/6 vừa qua Chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân làm cá ở biển miền Trung chết, thủ phạm đã được vạch rõ chính là Fomosa, không ai khác. Việc công bố nguyên nhân cá chết đã giải tỏa được nỗi bức xúc lớn bấy lâu nay trong người dân chúng tôi.
Ông Nguyễn Văn Bưng (Thái Bình)
Ông Nguyễn Văn Bưng, ở Thái Bình nêu ý kiến: Từ sự việc trên, tôi nghĩ Nhà nước ta phải xem đây là bài học về lĩnh vực môi trường và có thái độ rút kinh nghiệm sâu sắc. Đặc biệt trong công tác quảng bá mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ lai lịch của các công ty, tập đoàn mà đã nóng vội thu hút cho họ vào đầu tư, triển khai dự án trong nước thì việc nhận “quả đắng” nhất là trong vấn đề môi trường là việc khó tránh khỏi. Mặt khác, nếu kêu gọi đầu tư ồ ạt, rất dễ biến nước ta thành “nạn nhân” của vấn nạn ô nhiễm môi trường mà cả thế giới đang phải đối mặt. Đặc biệt vô hình chung nước ta lại là nơi dải “thảm đỏ” cho các công ty, tập đoàn có nhiều tai tiếng về vấn đề bảo vệ môi trường.
Chị Nguyễn Lan Hương (Nam Định)
Chị Nguyễn Lan Hương, ở Nam Định góp ý: Về tiến độ xử lý sự cố Fomosa, chúng tôi thấy một sự việc nghiêm trọng về môi trường như vậy mà phải 3 tháng sau các cơ quan chức năng của chúng ta mới công bố nguyên nhân là quá lâu. Tôi biết cũng có nhiều lý do để giải thích cho việc đó, tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì sự an toàn tính mạng của người dân cần phải coi trọng hàng đầu, vì kéo dài như thời gian vừa qua sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, ẩn họa khó lường, việc này rất cần được cấp trên xem đó là bài học. Mặt khác, tôi thấy phản ứng của một số cơ quan tham mưu chuyên môn vẫn còn lúng túng trước sự cố trên. Từ đó có thể thấy, cần nâng cao thế chủ động cho các cơ quan chuyên môn, tham mưu về lĩnh vực môi trường trong việc chủ động ứng phó trước các sự cố môi trường nói chung.
Chị Hồ Thúy Lan ở Thanh Hóa nhấn mạnh: Về vấn đề Fomosa, tôi có góc nhìn khác, việc fomosa đền 500 triệu USD, tôi nghĩ đây cũng là việc “cực chẳng đã”. Bởi họ có đầu tư hoạt động ở bất cứ đâu, thì việc tuân thủ bảo vệ môi trường cũng phải đặt lên hàng đầu trên tinh thần tuân thủ quy định, pháp luật của quốc gia sở tại.
Bà Phạm Thị Thắm (Quảng Ninh)
Bà Phạm Thị Thắm ở Quảng Ninh bức xúc chia sẻ: Sau khi kết luận nguyên nhân cá chết, đồng thời phát hiện ra việc Fomosa được thuê đất đến 70 năm, là người dân tôi thấy quá bất ngờ, tôi nghĩ đây là sai sót quá lớn so với quy định về thời gian đầu tư hiện hành của nước ta, cấp trên cần truy rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến việc này. Hơn nữa mới chỉ vào hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam một thời gian ngắn mà Fomosa đã gây ra tai tiếng như vậy, câu hỏi đặt ra là còn hàng chục năm tiếp theo sẽ như thế nào? Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần chú trọng tới việc này. Hơn nữa, cần thông tin rõ về việc khắc phục hậu quả môi trường ra sao, chứ không chỉ đền tiền là xong. Fomosa gây ra hậu quả môi trường thì phải khắc phục nghiêm túc, cầu thị là việc đương nhiên nếu như họ muốn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ của chúng ta./.