Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EVN tổ chức hội nghị với các nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam

Thứ Ba, 14/01/2020 15:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Chiều 13/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam, nhằm lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư để kịp thời phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Đông đảo các nhà đầu tư điện gió trên cả nước tham dự hội nghị - Ảnh: Gia Hiếu 
Tham dự hội nghị có ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, đại diện các ban chuyên môn EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung cùng đông đảo các nhà đầu tư điện gió trên cả nước.

EVN nỗ lực lớn trong giải tỏa công suất NLTT

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, trong việc phát triển điện mặt trời thời gian qua, mặc dù EVN đã thường xuyên theo dõi, chủ động nắm thông tin và làm việc sớm với các chủ đầu tư (từ năm 2018), nhưng thực tế vẫn còn những vướng mắc, chưa đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện.

Dù nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) luôn được ưu tiên phát tối đa, nhưng trong số hơn 4.500MW điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019, hiện còn 440MW đang phải giảm công suất phát. EVN đã và đang phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất. Dự kiến, khoảng quý III/2020, Tập đoàn sẽ giải tỏa hết nguồn công suất này, sớm hơn so với kế hoạch.

Cũng theo ông Trần Đình Nhân, cơ chế giá FIT của điện gió sẽ kết thúc vào tháng 11/2021. Chính vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả các dự án điện gió, EVN mong muốn các nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ thẳng thắn để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với EVN trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu tại hội nghị, các nhà đầu tư đánh giá cao nỗ lực của EVN trong việc triển khai các dự án lưới điện giải tỏa NLTT trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Các nhà đầu tư cũng cảm ơn EVN đã tổ chức hội nghị kịp thời để các nhà đầu tư nắm bắt được thông tin. Một trong những mối quan tâm của các nhà đầu tư là các dự án điện gió sẽ được bổ sung quy hoạch rất nhiều trong thời gian tới có thể gây quá tải lưới điện truyền tải. Do đó, EVN cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải đồng bộ với các dự án điện gió; đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án phù hợp, tránh việc quá tải như điện mặt trời trong thời gian qua.

Cần trao đổi, chia sẻ thông tin

Theo báo cáo của Ban Thị trường điện EVN, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD), hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD. Trong đó, theo tính toán của A0, điều kiện giải tỏa công suất đảm bảo như cam kết trong PPA đã ký. Cụ thể, với các dự án COD trong năm 2020, có xuất hiện quá tải khu vực Trà Vinh, Ninh Thuận và Bình Thuận; các khu vực khác đảm bảo giải tỏa tốt. Các dự án COD 2021 chỉ xuất hiện quá tải khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, các khu vực khác bình thường.

Ngoài ra, hiện còn 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến đến 2025 nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700MW. Qua tính toán, khu vực Phú Yên quá tải nhẹ; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải; khu vực Quảng Trị giải tỏa tốt khi có TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà; các khu vực còn lại đảm bảo giải tỏa tốt.

Chính vì vậy, EVN đề nghị các chủ đầu tư tích cực đàm phán về đấu nối và kí hợp đồng mua bán điện với EVN, nhằm đảm bảo tiến độ dự án do thời gian áp dụng giá FIT hiện nay không còn dài (tháng 11/2021), đặc biệt các dự án nằm trong khu vực giải tỏa công suất tốt; phối hợp với EVN để thực hiện các thử nghiệm và để công nhận COD… Cùng với đó, các nhà đầu tư điện gió cũng nâng cao chất lượng công bố và dự báo công suất nguồn; tuân thủ nghiêm ngặt quy định/yêu cầu vận hành…

Đối với các dự án đang chờ bổ sung quy hoạch, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương ưu tiên xem xét bổ sung quy hoạch các dự án đảm bảo khả năng giải tỏa công suất…

“Các nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin cho EVN về tình hình triển khai dự án. Về phía EVN, Tập đoàn cũng sẽ công khai các thông tin về tình hình đầu tư xây dựng. Hai bên cần phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng", ông Trần Đình Nhân cho hay.
theo evn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN