EVN thực hiện tốt công tác xả nước, cấp điện phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024
(ĐCSVN) - Nhiều địa phương đã đạt 100% diện tích lấy nước vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Các tỉnh, thành còn lại như Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương đang khẩn trương lấy nước cho diện tích còn lại trong đợt 2. EVN cùng các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện cấp nước, cấp điện phục vụ bà con tập trung gieo cấy, tưới dưỡng lúa với tiêu chí không lãng phí nguồn nước thủy điện.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình vận hành trạm bơm Trung Hà, Hà Nội, ngày 19/2/2024. |
Trạm bơm Đại Định của Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn là một trong những trạm bơm lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo ghi nhận thực tế, trong giai đoạn lấy nước đợt 2, trạm bơm được tích cực vận hành nhằm cung cấp nước cho diện tích cấy trồng còn lại của tỉnh.
Với phương châm bơm tưới “xa trước, gần sau, cao trước, thấp sau”, Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn đã bố trí nhân lực trực 24/24 giờ vận hành máy móc an toàn, theo dõi thuỷ văn để tổ chức bơm nước, khắc phục ngay sự cố kênh mương, điều tiết nước đến tất cả diện tích còn lại và chuẩn bị cho tưới dưỡng lúa giai đoạn tiếp theo.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Quân cho biết, theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo cấy 28.500 ha lúa. Đến nay, tỉnh đã tưới đổ ải được khoảng 96% diện tích, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20%.
Để công tác lấy nước đạt hiệu quả cao và tận dụng tối đa nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các công ty TNHH MTV thủy lợi, các tổ chức thủy lợi cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con nông dân thu hoạch sớm cây vụ Đông, triển khai gieo mạ tập trung; thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trữ nước ở mặt ruộng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Quân cũng cho hay, sự phối hợp tích cực giữa Điện lực với các sở, ngành, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc rất thuận lợi cho việc vận hành các trạm bơm, và giúp đẩy nhanh tiến độ lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân tại tỉnh.
Còn tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân của thành phố là gần 80.000 ha. Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tiến độ lấy nước của Hà Nội bảo đảm theo kế hoạch chung của khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo kế hoạch, tới khi kết thúc lấy nước đợt 2, sẽ cấp đủ nước cho khoảng 93% tổng diện tích Hà Nội. Còn lại khoảng 7% diện tích ở các địa phương có tập quán canh tác muộn như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, thành phố sẽ có phương án tích trữ nước để bảo đảm sẵn sàng bơm phục vụ bà con.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh vận hành tối đa các công trình thủy lợi để hoàn thành cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy. Đồng thời, năm nay, Bộ điều hành tưới dưỡng không lấy nước tập trung để tiết kiệm nguồn nước thủy điện.
Thứ trưởng cũng ghi nhận, EVN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và thực hiện đúng, nghiêm các chỉ đạo, các kế hoạch 2 bên cam kết. Trong đó, tất cả các lần xả nước, mực nước tại Hà Nội đều được đảm bảo giúp cho các địa phương chủ động lấy nước theo đúng kế hoạch. Nhờ vậy đã rút ngắn được số ngày xả nước so với kế hoạch.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, trước khi bước vào đợt xả nước thứ 2, EVN chủ động cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động tăng lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện sớm hơn 1,5 - 2 ngày để đảm bảo các trạm bơm có thể lấy đủ nước trong đợt cuối này. Thời gian tới, để bảo đảm đủ nước cho giai đoạn tưới dưỡng, EVN sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tùy theo các giai đoạn con triều sẽ có giải pháp linh hoạt vận hành các hồ thủy điện để các địa phương tăng cường lấy nước, cũng như đảm bảo hiệu quả cho phát điện.
Việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như đảm bảo điện cho các trạm bơm là nhiệm vụ quan trọng, được Tập đoàn và các đơn vị nghiêm túc, rốt ráo triển khai. Các công ty điện lực đảm bảo cấp điện và chủ động theo dõi sản lượng của các trạm bơm hàng ngày, báo cáo Tập đoàn các khu vực đã lấy đủ nước theo yêu cầu để Tập đoàn có phương án điều hành xả nước phù hợp. Đồng thời, các công ty điện lực tích cực làm việc với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn để đảm bảo sử dụng nước từ các hồ thuỷ điện tiết kiệm và hiệu quả./.