EU cần 800 tỷ euro mỗi năm để vực dậy nền kinh tế
(ĐCSVN) - Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) cần một khoản đầu tư khổng lồ, trị giá 800 tỷ euro mỗi năm để vực dậy nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi. (Ảnh: Getty Images) |
Trong báo cáo gần 400 trang được trình bày tại Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels (Bỉ) ngày 10/9, ông Draghi vạch ra kế hoạch cải tổ toàn diện nền kinh tế châu Âu, nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước đi mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Draghi, EU cần khoản đầu tư hàng năm từ 750 - 800 tỷ euro, tương đương 5% GDP, nhằm chấm dứt tình trạng suy giảm kéo dài ở hầu hết các nền kinh tế lớn của EU.
Đây sẽ là khoản đầu "chưa từng có" và sẽ giúp liên minh này dẫn đầu trong công nghệ mới, đồng thời đạt được nhiều mục tiêu tham vọng khác. Bên cạnh đó, ông Draghi khuyến nghị khối 27 thành viên EU cần tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đổi mới hàng đầu và phát triển công nghệ sạch.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng nhận thức được sự mất đi khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chính của khối, một phần là do sự phụ thuộc vào năng lượng và thiếu nguyên liệu thô của châu Âu.
Báo cáo của ông cũng đề xuất điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc EC phê duyệt các thỏa thuận sáp nhập trong ngành công nghệ và quốc phòng. Ông Draghi cũng cho rằng nên nới lỏng quy định quản lý đối với ngành viễn thông và hỗ trợ mở rộng ngành này thông qua việc xem xét thị trường trên toàn EU.
Ngoài ra, bản báo cáo kinh tế của cựu Chủ tịch ECB cũng khuyến nghị EU phải thu hẹp khoảng cách về khả năng đổi mới sáng tạo với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các công nghệ tiên tiến. Theo ông Draghi, hiện chỉ có 4 trong tổng số 50 công ty công nghệ hàng đầu thế giới là từ châu Âu.
Ông Draghi cũng đề ra “chính sách kinh tế đối ngoại của EU” nhằm theo đuổi chính sách ngoại giao với mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đảm bảo an ninh kinh tế và các chuỗi cung ứng quan trọng.
Trong báo cáo, cựu Chủ tịch ECB cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể đối với từng ngành, từ công nghiệp cho đến dược phẩm; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ và đầu tư lớn để đưa nền kinh tế châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Theo ông, để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác và đồng thuận từ tất cả các chính phủ trong khối cũng như sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp và đầu tư tư nhân./.