Đường hỏng, không phải tại trời!
(ĐCSVN) - Ai cũng hiểu rằng trừ những lý do bất khả kháng như: thảm họa thiên nhiên, chiến tranh tàn phá thì những con đường hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, không bảo đảm tiêu chuẩn là do sai sót ở nhiều khâu trong xây dựng, thậm chí không loại trừ dấu hiệu trục lợi.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được đầu tư xây dựng với số vốn 34 nghìn tỷ đồng, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác đã xuống cấp, lồi lõm. Các điểm hư hỏng xuất hiện hàng loạt với chiều rộng từ 20 cm, chiều dài từ 20 - 60 cm, có hố sâu 5 cm ngay giữa làn đường. Nhiều tài xế lo lắng vì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi chạy với vận tốc 120km/h mà mặt đường có lồi lõm như thế.
Điều đáng lo ngại hơn là chuyện những con đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng kém không còn là chuyện hy hữu. Hẳn dư luận vẫn cón nhớ những con đường tai tiếng một thời!
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ qua địa bàn tỉnh Bình Định dài 118 km, tổng kinh phí 7.798 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ 2015 đến nay, mới được 3 năm nhưng nó đã trở thành “đoạn đường xấu nhất nước, mặt đường như ruộng cày”.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Diễn Châu - Quán Hành (Nghệ An) dài 23,4km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tổng đầu tư hơn 1.227 tỉ đồng. Dự án bàn giao và sử dụng từ năm 2015, nhiều đoạn nhựa bị ùn lên từng mảng lớn, có những vết hằn lún sâu khoảng 10-12cm, kéo dài tạo thành từng rãnh lớn vô cùng nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Hay cao tốc Hà Nội - Lào Cai là dự án trọng điểm Nhà nước, thuộc trục đường xuyên Á, có tổng mức đầu tư 30.132 tỷ đồng với chiều dài 245 km đi qua 5 tỉnh. Ngày 21/9/2014, thông xe toàn tuyến cao tốc. Nhưng lạ thay chưa đầy một tháng sau, cao tốc này bắt đầu xuất hiện vết nứt dài 73 m tại km 83.
Dù những con đường hư hỏng, xuống cấp đã được khắc phục, sửa chữa, nhưng điều mà dư luận quan tâm là nguyên nhân nào dẫn đến những con đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng kém, xuống cấp nhanh chóng như vậy? Nếu không tìm ra nguyên nhân để khắc phục, không xử lý sai phạm nghiêm minh trước pháp luật thì tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng đường giao thông vẫn cứ xảy ra.
Ai cũng hiểu rằng trừ những lý do bất khả kháng như thảm họa thiên nhiên, chiến tranh tàn phá thì những con đường hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, không bảo đảm tiêu chuẩn là do sai sót ở nhiều khâu trong xây dựng, thậm chí không loại trừ dấu hiệu trục lợi.
Đã đến lúc chúng ta phải truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu xây dựng. Nếu làm tốt công việc này, sẽ loại trừ công trình kém chất lượng do ăn bớt nguyên vật liệu, dùng vật liệu thay thế đúng như phê duyệt ban đầu… Hoặc nếu công trình xảy ra sự cố, sẽ truy được trách nhiệm đó thuộc về ai: nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thi công hay chủ đầu tư công trình. Như vậy đương nhiên chúng ta sẽ hạn chế được tiêu cực trong xây dựng và đảm bảo an toàn đối với các công trình xây dựng.
Một nguyên nhân khác là ăn bớt công đoạn, không bảo đảm quy trình kỹ thuật. Để ngăn chặn điều này thì cần xử lý trách nhiệm thật nghiêm minh đối với bên thi công và bộ phận giám sát thi công.
Nguyên nhân gián tiếp gây ra tiêu cực trong các công trình xây dựng nói chung, xây dựng công trình giao thông nói riêng là chuyển nhượng thầu, bán thầu. Doanh nghiệp trúng thầu bán lại công trình cho doanh nghiệp khác, sau khi giữ lại phần lãi 10-15% và công trình lại tiếp tục được chia nhỏ để bán tiếp… dẫn đến kinh phí dành cho công trình bị thất thoát. Đơn vị thi công cuối cùng vẫn phải có lãi nên thủ đoạn gian dối xuất hiện là tất yếu.
Các chuyên gia nói rằng ở Việt Nam nhân công rẻ, mọi thứ cũng rẻ hơn thì chi phí làm đường phải thấp hơn các nước, nhưng thực tế chi phí làm đường nói chung (đặc biệt là đường cao tốc) ở nước ta thường cao hơn nhiều. Điều vô lý này không thể để kéo dài lâu hơn nữa, nhất là chất lượng lại không tỷ lệ thuận với nguồn vốn đầu tư./.