Đường biến thành “sông” ngay giữa lòng Thủ đô
(ĐCSVN) - Mặc dù gần đây trời không mưa, thế nhưng một số hộ dân sống tại khu vực dân cư số 22 tổ 22 – 22A địa bàn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân – TP Hà Nội lại đang phải sống trong cảnh ngập lụt ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Theo phản ánh của một số người dân sống tại khu vực này, chúng tôi đã đến tận nơi để ghi nhận lại sự việc. Theo quan sát, con đường dẫn vào khu dân cư 22 khá ngổn ngang, lầy lội và đầy những mảnh bê-tông, nắp cống giống những chiếc bẫy... Đi sâu vào thêm, đến khu vực tổ 22A của khu dân cư, cả một đoạn ngõ dài tới hơn 100 mét, nước ngập khá sâu, nhiều nhà dân bị ngập tận trong sân, màu nước đen ngòm, có đoạn đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Nắp cống đặt vội vàng như những cái bẫy dành cho người đi đường
Suốt chiều dài của khu dân cư 22A, nước ngập mênh mông.
Để đi lại trong khu vực ngõ, người dân chỉ còn cách duy nhất là lội trong nước ô nhiễm.
Trao đổi cùng bác Sương, một người dân sống lâu năm tại đây được biết, tình trạng nước ngập đã có từ cách đây gần 1 tháng. Nguyên nhân là do một đơn vị đang thi công đường ống dẫn nước tại khu vực này, quá trình thi công dẫn tới việc tắc nghẽn hệ thống cống ngầm, một nguyên nhân khác do đường ống nước tại đây bị vỡ. Điều đáng nói là đơn vị này làm việc quá chậm, kéo dài thời gian thi công, dẫn tới tình trạng ngập nước như trên..
Bác Sương cho biết: “Nước ngập tại đây làm chúng tôi đi lại rất vất vả, ô nhiễm nặng nề, mùi thối từ cống rãnh theo dòng nước ngập bốc lên làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Còn về đơn vị chủ quản, mỗi ngày họ chỉ cử từ một đến hai, ba người công nhân đến đây làm việc. Chúng tôi hỏi thì được biết, dự kiến khoảng 3 tháng nữa mới làm xong. Thử hỏi trong thời gian dài như vậy thì dân chúng tôi làm sao chịu được!?”
Thực trạng trên đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Hiện người dân sống tại tổ 22A của khu dân cư 22 vẫn hàng ngày phải lội nước và sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Mong rằng chính quyền, cơ quan chức năng sớm xử lý tình trạng “trời không mưa, nhưng đường biến thành sông” để người dân bớt khổ./.