Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Được cộng dồn thời gian đóng BHXH để sau này có lương hưu

Thứ Tư, 18/05/2022 15:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tại buổi giao lưu, đoàn viên công đoàn, người lao động được các chuyên gia giải đáp kịp thời, thỏa đáng về hưởng chế độ khi bị tai nạn lao động, hưởng BHXH do bị mắc COVID-19, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Vừa qua, báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động”, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Bá Vĩnh, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm,… và hơn 200 đoàn viên, người lao động.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, các chuyên gia, luật sư giải đáp thắc mắc về chế độ, chính sách cho đoàn viên công đoàn, người lao động.

Nhiều câu hỏi của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ... đã được các chuyên gia trả lời thỏa đáng. Ảnh: Trần Oanh 

Tại đây, vấn đề đóng BHXH được nhiều đoàn viên, người lao động đặc biệt quan tâm. Cụ thể là, người lao động đóng bao nhiêu năm BHXH để được hưởng lương hưu cao nhất, có được cộng dồn thời gian đóng BHXH để sau này có lương hưu? Về nội dung này, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu phản hồi: Theo quy định hiện hành, từ năm 2022, lao động nữ phải đóng 30 năm BHXH, lao động nam phải đóng 35 năm BHXH thì mới được hưởng lương hưu 75%. Luật BHXH 2014 quy định tiền lương đóng BHXH để hưởng lương hưu cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, khoảng 28,9 triệu đồng/tháng.

Bà Dương Thị Minh Châu cũng cho biết, việc đóng BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu chỉ quy định đối với những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Nếu người lao động đủ tuổi, đủ 20 năm đóng BHXH thì được nghỉ hưu luôn, không phải đóng thêm BHXH, trừ khi người lao động chưa có nhu cầu nghỉ hưu, vẫn tiếp tục muốn tham gia BHXH thì sẽ đóng hàng tháng như những người tham gia BHXH tự nguyện bình thường khác cho đến khi muốn hưởng lương hưu. Với trường hợp này, mức lương hưu sẽ khoảng 59%.

Người lao động đã tham gia BHXH nhưng chưa hưởng BHXH một lần thì được cộng dồn, dù ngắt quãng thời gian đóng. “Nhiều trường hợp người lao động đã nghỉ hưu nhưng DN có nhu cầu ký hợp đồng tiếp và người lao động cũng có nhu cầu làm việc thì vẫn nên hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, người lao động ký hợp lao động tiếp nhưng không cần đóng BHXH nữa”- bà Dương Thị Minh Châu đưa ra lời khuyên.

Người lao động nên khám sức khỏe mỗi năm 1 lần

Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm mấy lần cũng là nội dung được nhiều công nhân, người lao động đặt câu hỏi. “Theo quy định sẽ có 2 danh mục khám sức khỏe: Đối với lao động bình thường, DN sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 năm/1 lần. DN sẽ tự lên danh mục khám cho người lao động. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực độc hại thì khám sức khỏe 1 năm/2 lần, định kỳ 6 tháng/1 lần, đảm bảo đúng quy định về an toàn vệ sinh lao động. Trong trường hợp các đơn vị đặt ra danh mục khám thấp thì chi phí thấp và ngược lại. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực độc hại thì danh mục khám sẽ chi tiết với các tiêu chí cụ thể” - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết.

Nhiều câu hỏi của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ... đã được các chuyên gia trả lời thỏa đáng.

Trước phản ánh có DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhưng người lao động không tham gia, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho rằng: Tất cả các DN đều phải tuân thủ quy định pháp luật, nếu qua thanh tra mà DN có 500 lao động nhưng có 300 lao động không được khám sức khỏe thì sẽ bị xử phạt. Vì thế, không có lý do gì mà người lao động không khám hay cố tình không khám. DN có biện pháp để buộc người lao động tuân thủ quy định của công ty và Nhà nước./.

Trần Oanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN