Dừng việc “sáng tạo” hình thức xử phạt trái quy định trong phòng dịch COVID-19
(ĐCSVN) - Xung quanh việc cảnh sát giao thông phạt chống đẩy với người dân không đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19, những ngày qua trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến trái chiều.
Trước đó, ngày 29/3, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 tài xế bị Cảnh sát giao thông phạt chống đẩy cạnh đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đoạn qua địa phận khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Theo clip, khi CSGT hỏi về chuyện không đeo khẩu trang phòng ngừa nhiễm COVID-19, các tài xế trả lời sức khỏe rất tốt, có thể chống đẩy để chứng minh và được cán bộ làm nhiệm vụ đồng ý cho chống đẩy hơn 20 lần.
Trên mạng xã hội, không ít ý kiến bạn đọc tỏ ra đồng tình với hướng xử phạt này đồng thời cho rằng đây là biện pháp nhắc nhở ấn tượng, dễ nhớ để người dân ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, vừa tốt cho sức khỏe lại có tác dụng răn đe.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đây là ý tưởng mới, xuất phát từ động cơ trong sáng nhưng chiến sĩ CSGT đã thực hiện không phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Trả lời báo chí, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn-Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và Đồng sự cho hay: Trên phương diện pháp lý, việc xử lý vi phạm bằng hình thức của các Cán bộ CSGT tỉnh Bắc Giang không thuộc hình thức xử phạt vi phạm hành chính nào theo quy định của pháp luật và trái quy định tại khoản 5, khoản 11 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Pháp luật nghiêm cấm việc xử phạt không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Sơn khẳng định.
(Ảnh cắt từ clip). |
Bên cạnh đó, xét về hành vi và ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều khiển phương tiện thấy rằng việc dừng, đỗ đón hành khách ngay trên đường cao tốc là rất nguy hiểm, cần phải bị xử phạt nghiêm minh.
Theo Luật sư Sơn, những hành vi áp dụng không đúng quy định của pháp luật cần phải bị lên án, nhưng ý thức và động cơ trong sáng trong việc xử phạt của các cán bộ cũng cần được khích lệ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hà khẳng định: Mặc dù trên thực tế, việc làm này của một số người có thẩm quyền được dư luận cho là sáng tạo hay có một số ý kiến đồng tình, ủng hộ vì cách xử lý này có tính thực tiễn nhưng việc xử phạt theo cách thức như trên dưới góc độ nguyên tắc thực thi công vụ nêu là sai, không đúng quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, mang nặng ý chí chủ quan của người thi hành công vụ.
Cụ thể, bà Hà phân tích: Điều 12 về những hành vi bị nghiêm cấm của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ đây là các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, các hành vi áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 25 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tuy Nghị định 19 có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020 nhưng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định này kể từ ngày 01/7/2020 mới có hiệu lực thi hành.
Trước một số ý kiến đồng tình với cách làm này vì có tính thực tiễn, bà Hà cho rằng việc nghiên cứu bổ sung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính cần được tính toán kỹ vì phải nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, tính phổ biến của hình thức xử lý đó trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và đặc biệt là tính khả thi của biện pháp cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Bà Hà cũng khuyến nghị: Hiện tại, trong điều kiện pháp luật đã quy định rõ việc áp dụng không đúng hình thức xử phạt là hành vi vi phạm pháp luật, tôi khẳng định một số người thuộc lực lượng thực thi công vụ phải dừng ngay các vụ việc đang thực hiện. Đối với trường hợp đã xảy ra, Thủ trưởng các cơ quan quản lý người có thẩm quyền cần nhắc nhở kịp thời và xử lý nghiêm khắc.
Được biết, ngày 31/3, Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị đã họp, thống nhất hạ phân loại thi đua trong tháng, phê bình trước tập thể đối với Thượng uý Nguyễn Tuấn Anh khi đồng ý cho người tham gia giao thông chống đẩy để chứng minh sức khỏe./.