Đừng để “cực chẳng đã” mới phải nói lời xin lỗi!
(ĐCSVN) - Xin lỗi là một nét văn hóa, đặc biệt là lời xin lỗi của những cơ quan chức năng đối với người dân. Nhưng xem ra ở nước ta, lời xin lỗi của một số cơ quan chức năng vẫn còn là điều “cực chẳng đã”.
Ảnh: vietnamnet.vn
Câu chuyện ngành chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã gặp mặt xin lỗi nữ du khách Alaa Aldon (người Ai Cập) bị cướp giật khi du lịch tại thành phố đã nhận được sự hoan nghênh của dư luận về cách ứng xử của các cơ quan chức năng với du khách và người dân nói chung. Nhưng dư luận cũng đang trông đợi những hành động tiếp theo của cơ quan chức năng trong giữ gìn an ninh trật tự. Khi đó, lời xin lỗi sẽ trọn vẹn hơn, sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Trước đó, năm 2015, ở Đà Nẵng cũng từng có hành động xin lỗi được người dân phấn khởi, đó là hành động nhận lỗi công khai của ông Trần Thọ- Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, trong việc cơ quan chức năng thành phố chậm trễ giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa. Ông Trần Thọ đã thẳng thắn cho biết: “Cái gì chúng ta thấy sai với dân rồi thì phải sửa sai. Cái sợ nhất là không thấy sai, tìm lý lẽ này với lý lẽ khác để quanh co chối bỏ, đổ lỗi cho đơn vị này, đơn vị khác”.
Điều mà dư luận đánh giá rất cao, đó là vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã không chỉ xin lỗi mà còn lập tức chỉ đạo và ra hạn cho cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại của bà Nghĩa. Cách xin lỗi này đã thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm khắc phục thiếu sót và củng cố được niềm tin trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh cách xin lỗi thể hiện văn hóa của người xin lỗi, trong nhiều trường hợp, người dân đã không khỏi thất vọng về những cách xin lỗi theo kiểu “cực chẳng đã” của không ít cơ quan chức năng. Điển hình như hồi tháng 11/2015, khi cơ quan chức năng tỉnh An Giang ra quyết định sai trong việc xử phạt cô giáo “chê” Chủ tịch tỉnh An Giang trên Facebook. Sau những lòng vòng đá quả bóng trách nhiệm, tỉnh này đã phải họp lên họp xuống, sau đó vị Phó Chủ tịch tỉnh tuyên bố “cơ quan nào làm sai cơ quan đó phải xin lỗi”. Ấy vậy mà nhiều cơ quan vẫn không chịu thừa nhận khuyết điểm, mặc dù khi xử phạt cô giáo thì họ đều tham gia vào việc ra quyết định xử phạt. Cuối cùng, chỉ có vị đại diện Sở Thông tin và Truyền thông chuyển lời xin lỗi tới cô giáo, nhưng vẫn có lời biện minh không nhận lỗi về mình.
Một kiểu xin lỗi gây thêm thất vọng nữa, đó là trường hợp Viện KSND TP.Hồ Chí Minh tổ chức xin lỗi ông Trương Bá Nhàn vì truy tố oan về tội giết người, cướp của. Ngồi tù oan gần 1.400 ngày nhưng ông Nhàn được thấy vị đại diện cơ quan pháp luật xuất hiện, đọc lời xin lỗi mình và ra về vỏn vẹn trong vòng chưa đầy 5 phút. Ông Nhàn ngỡ ngàng, còn luật sư của ông đã phải rơi nước mắt.
Trong khi đó, tại buổi xin lỗi oan sai với bà Hà Ngọc Bích, Viện KSND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã tổ chức rất chu đáo, với sự tham dự của đông đủ cơ quan, ban, ngành và người dân tại trụ sở UBND xã Tà Lài, nơi bà đã bị xét xử sơ thẩm lưu động trước đó. Bà Bích có đủ thời gian để phát biểu trọn vẹn ý kiến, tâm tư của mình. Buổi xin lỗi kết thúc trong cái bắt tay siết chặt giữa Viện trưởng với bà Bích, khiến ai ai cũng cảm nhận được sự chân thành của cơ quan chức năng. Bà Bích cũng thấy hài lòng.
Những so sánh trên cho thấy, cùng là xin lỗi nhưng văn hóa của người xin lỗi lại rất khác nhau. Do đó, ý nghĩa của nó cũng rất khác nhau. Với cách xin lỗi qua loa, theo kiểu “cực chẳng đã” không thể giấu diếm được, người dân không khỏi hoài nghi: Liệu các cơ quan chức năng làm sai có nhận thức được việc mình làm và những vụ án oan, những quyết định hành chính trên trời giáng xuống đầu người dân có được hạn chế? Nếu những vụ oan sai đó không được làm sáng tỏ, liệu người làm sai có tự đứng ra xin lỗi không?
Thiết nghĩ, việc cán bộ, công chức xin lỗi người dân khi để xảy ra sai phạm là rất cần thiết. Nhưng xin lỗi cũng phải có văn hóa, thể hiện được sự tôn trọng người dân, phải gắn với trách nhiệm để sửa chữa thiếu sót và thay đổi trong nhận thức, lề lối làm việc.
Với những sự việc đang được dư luận rất quan tâm hiện nay như lừa đảo tại công ty đa cấp Liên Kết Việt, lỗ hổng trong trong điều hành giá xăng dầu (qua cách tính thuế) khiến người tiêu dùng chịu thiệt… việc nhận lỗi, nhận trách nhiệm của cơ quan chức năng vừa thể hiện sự tôn trọng người dân và tôn trọng chính mình, vừa góp phần tăng cường niềm tin của người dân vào sự điều hành của Nhà nước. Song cho đến thời điểm này, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm. Phải chăng những vụ việc đó vẫn chưa đến mức “cực chẳng đã” để nói lời xin lỗi?./.