Đừng để các dự án BOT giao thông là nỗi lo sợ của doanh nghiệp và người dân
(ĐCSVN) - Hệ thống kết cấu hạ tầng được coi là "cốt” vật chất của các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trung ương đã có riêng một nghị quyết về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” - (Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI). Theo đó, nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hóa, mở rộng.
Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã huy động từ nhiều nguồn vốn đa dạng, trong đó có khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư số tiền rất lớn vào các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Việc xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến bước đầu tích cực, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Một số công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền…
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, sau khi đi vào khai thác, thu phí hoàn vốn theo lộ trình, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đã bộc lộ nhiều bất cập và đang gây không ít bức xúc cho doanh nghiệp vận tải và người dân khi tham gia giao thông.
Từ ngày 01 tháng 4 năm 2016 nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã áp dụng mức thu phí mới với hai tuyến đường cao tốc: Quốc lộ tăng thêm 50%; Cao tốc Hải Phòng – Hà Nội tăng 25%. Và các tuyến đường BOT khác cũng đang có kiến nghị nâng mức thu phí, trong khi tính minh bạch của việc thu phí đang là câu hỏi lớn. Việc ăn chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án BOT cũng đang trở nên nóng bỏng, trong đó phải kể đến một trong ba nhà đầu tư vào dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã bày tỏ sự mất lòng tin vào đối tác và đang tự tiến hành giám sát việc thu phí tại dự án…
Từ đầu năm đến nay đã có hiện tượng, người dân ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã hai lần chặn lối vào Trạm thu phí Quán Hàu của nhà đầu tư Trường Thịnh, phản đối việc tăng phí đường bộ. Các trạm thu phí BOT giao thông như trạm quốc lộ 6 (Hòa Bình), cầu Hạc Trì (Phú Thọ) cũng bị người dân vây chặn, phản ứng về mức thu phí. Cùng với đó, nhân dân còn bức xúc về thực trạng mật độ trạm thu phí quá dày và đi trên đường do nhà nước đầu tư vẫn bị thu phí. Câu chuyện tăng phí đường bộ không chỉ vấp phải sự phản ứng của người tham gia giao thông mà ngay cả các địa phương có dự án đi qua cũng không đồng thuận.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dự án BOT phải hài hòa ba lợi ích: Một là, phải bảo đảm thu hồi vốn cho nhà đầu tư; Hai là sức chịu đựng của nền kinh tế, cụ thể là của doanh nghiệp và người tham gia giao thông khi đi trên đường BOT; Ba là, phải bảo đảm thu hồi vốn của ngân hàng.
Tuy nhiên, dường như đang có sự xung đột gay gắt giữa lợi ích của các bên. Các dự án BOT dường như chủ yếu nghiêng về việc bảo đảm thu hồi vốn cho nhà đầu tư và trả lãi ngân hàng. Theo đó, dẫn đến tình trạng thẩm định, đàm phán, quản lý các dự án BOT vẫn bị buông lỏng, các nhà đầu tư tìm cách tăng phí, gia tăng lợi nhuận, trong khi cơ chế kiểm soát còn lỏng lẻo. Tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc và các dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ ở nước ta cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, lại không được công khai, minh bạch.
Như vậy, có thể nói tình trạng nhiều trạm với mức phí quá cao đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp là “vấn đề” xã hội rất đáng quan tâm, đòi hỏi các nhà quản lý cần xem lại và cần sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm hài hài lợi ích của các chủ thể khi bị tác động bởi các dự án BOT.
Xin đừng để các dự án BOT giao thông là nỗi lo sợ của doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông./.