Đừng để bị tai nạn rồi mới hối tiếc!
(ĐCSVN) - Đa số các vụ tai nạn giao thông đều có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông. Nghiêm trọng và điển hình nhất là sự việc xảy ra mới đây, hàng chục người ùn ùn lách qua thanh chắn tàu hỏa trên quốc lộ 21B (đoạn gần ga Hà Đông, Hà Nội), khiến cả đoàn tàu đã phải dừng lại...
Rất nhiều người cố lách qua rào chắn đường tàu gần ga Hà Đông (Hà Nội)
khiến đoàn tàu phải dừng lại sát với người tham gia giao thông. Ảnh: thanhnien.com.vn.
Theo thông tin từ bạn đọc phản ánh, sáng 13/4, tổ trực gác chắn đường tàu nhận được thông báo sắp có đoàn tàu hàng từ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuống ga Hà Đông. Khi đầu tàu D31E kéo còi từ nút giao quốc lộ 6, tổ gác chắn đường tàu phát chuông cảnh báo và kéo barie chắn phương tiện như thường lệ. Tuy nhiên, một vài người đã cố lách lên vỉa hè vượt rào chắn, sau đó, rất nhiều người phía sau lao theo, nhưng lớp rào chắn thứ hai tiếp theo đã đóng kín. Một phụ nữ trung niên mặc áo xanh xuống xe tự ý mở barie, đồng loạt hàng chục người đi xe máy chen chúc vượt qua. Dòng người phía sau cũng ùa theo thành đám đông ngay trên đường ray. Lúc này, đoàn tàu đã đến rất gần. Trước tình thế nguy hiểm tính mạng nhiều người, nhân viên gác đường tàu buộc phải hạ biển cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu đoàn tàu dừng lại.
Đoàn tàu phanh gấp và kịp dừng lại khi chỉ còn cách đám người cùng phương tiện đang nháo nhác trên đường ray vài mét.
Khi xem lại những hình ảnh đáng sợ nêu trên, nhiều người lo lắng, nếu như đoàn tàu vẫn tiến thêm vài mét nữa theo quán tính mà không kịp phanh lại thì không biết tính mạng, hậu quả của những người đang nhốn nháo trên đường ray kia sẽ thế nào? Phải chăng họ đang quá xem thường tính mạng bản thân? Nhiều ý kiến cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông trong sự việc là đáng lên án. Dường như tư tưởng “đường ta, ta cứ đi”, thậm chí là “đường tàu, ta cũng cứ đi” đã ăn sâu vào tiềm thức.
Hình ảnh từ video còn cho thấy, có một người đàn ông điều khiển xe gắn máy mắc kẹt trên đường ray đó, trên xe có em gái nhỏ chừng 5- 6 tuổi ngồi phía trước. Giáo dục về an toàn giao thông hiện đã đưa vào các trường học nhằm xây dựng ý thức văn hóa tham gia giao thông cho người Việt ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tiểu học. Vậy mà, hình ảnh trên lại diễn ra ngay trước mắt các em, để rồi biết đâu nay mai, hành động cố lách qua rào chắn đường tàu lại tiếp diễn với chính con em họ.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên gác đường tàu tại điểm xảy ra sự việc gần ga Hà Đông nói trên và một số nhân viên khác gác đường tàu tại điểm giao cắt đường Trường Chinh - Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: Tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt rào chắn đường sắt diễn ra khá phổ biến. Nhiều lần hàng rào chắn đang kéo gần hết, nhưng có người vẫn cố lách vào trong. Một số thanh niên còn tỏ thái độ khó chịu khi nhân viên không dừng rào chắn để họ lách qua. Tình trạng đi xe, thậm chí cả đoàn xe trong hành lang an toàn đường sắt là một thực tế đáng báo động về ý thức tham gia giao thông hiện nay.
Theo báo cáo năm 2015 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước vẫn còn tồn tại khoảng 6.000 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, trong đó tới 4.200 đường ngang dân sinh mở trái phép, đe dọa nghiêm trọng tới an toàn giao thông đường sắt. Còn theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, năm 2015, cả nước xảy ra 405 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 218 người, bị thương 239 người.
Trở lại câu chuyện ý thức của người tham gia giao thông, chắc hẳn mỗi chúng ta đã không ít lần chứng kiến những hình ảnh người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, những nam thanh, nữ tú không đội mũ bảo hiểm phóng xe lạng lách, thậm chí cả gia đình gồm vợ, chồng, con nhỏ đi trên một chiếc xe máy nhưng không hề đội mũ bảo hiểm(?!).
Hay như, thói quen của một số người điều khiển xe máy, mỗi khi gần đến điểm giao cắt lại cố phóng thật nhanh để vượt đèn đỏ, nhưng ngay sau đó lại nghênh ngang đi rất chậm giữa đường. Nhiều người khi chưa hết đèn đỏ đã liên tục bấm còi giục người phía trước…
Khi xảy ra tai nạn, gây đau khổ cho bản thân, cho gia đình mình và người khác, có lẽ người tham gia giao thông mới hối hận: "Giá như hôm ấy mình đừng cố vượt, giá như mình đừng… thì đã không…"!
Rất tiếc, sự an toàn không chấp nhận những từ “giá như”!
Theo Tiến sĩ tâm lý Phạm Minh Thái, những hành vi trên được xem là thói xấu thể hiện sự thiếu ý thức văn hóa của một số người tham gia giao thông. Thói xấu đó đã ăn vào tiềm thức đến mức dường như nó đang lấn át cả nỗi sợ hãi tai nạn, lấn át cả an toàn tính mạng. Nó không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp trong mắt du khách quốc tế.
Tại các hội thảo về an toàn giao thông, các nhà quản lí, cơ quan chức năng đã nhấn mạnh, ý thức, văn hóa giao thông có liên quan chặt chẽ tới việc chấp hành pháp luật về giao thông của người dân. Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2015 cũng cho thấy, có đến hơn 80% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông. Trong năm 2015, cả nước đã ghi nhận 22.827 vụ tai nạn giao thông, với hơn 8.700 người chết.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng nâng cao văn hóa, ý thức người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quan trọng và là giải pháp lâu dài, hữu hiệu. Mỗi người thay đổi một thói quen xấu, phát huy một nét đẹp văn hóa giao thông sẽ góp phần vào đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời làm đẹp thêm hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam./.