Dựa vào nội lực - kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh)
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện đảo Cô Tô. Cơ sở hạ tầng được đầu tư và phát huy tốt hiệu quả, nền kinh tế chuyển dịch dần theo hướng du lịch dịch vụ.
Một góc huyện đảo Cô Tô hôm nay (Ảnh: Thu Hằng)
Huyện Cô Tô bao gồm thị trấn Cô Tô và các xã: Thanh Lân, Đồng Tiến. Vào cuối năm 2013, cả 2 xã của huyện đảo đều hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và Cô Tô đã trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới theo Quyết định 2476/QĐ-TTg ngày 30/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.Người dân Cô Tô xác định xây dựng nông thôn mới không phải là một cuộc đầu tư của Nhà nước, mà chính là một cuộc vận động, huy động sức mạnh nội sinh của chính người dân để xây dựng cho mình và cho cả tương lai.
Trên cơ sở sự hỗ trợ của nhà nước chủ động đề xuất, góp công góp của, trí tuệ để xây dựng NTM, đã có trên 12 ngàn ngày công của nhân dân tham gia trực tiếp vào các nội dung: làm đường ngõ xóm, vệ sinh môi trường nông thôn...phong trào hiến đất làm đường, các công trình phúc lợi, dự án đưa lưới điện ra đảo Cô Tô được 100% hộ dân tự nguyện đóng góp.
Bà Nguyễn Thị Sắc ở thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến đã hiến 50m2 đất để góp phần thực hiện dự án đưa điện lưới ra đảo. Bà nói: “Không chỉ gia đình tôi mà người dân ở đây đều rất phấn khởi, sẵn sàng hiến đất cho công trình đưa điện lưới ra đảo và các công trình phúc lợi khác. Có điện lưới người dân chúng tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế như ngày hôm nay”.
Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2010, trong 3 năm huyện đảo đã giải quyết được 3 tiêu chí khó nhất đó là nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất; hệ thống điện; giao thông kết nối giữa đảo với đất liền. Giải quyết vấn đề nước sinh hoạt trên đảo, Cô Tô đã đầu tư nâng cấp 12 hồ chứa nước ngọt, trong đó hồ chứa nước ngọt Trường Xuân chỉ trong một năm xây dựng với dung tích 170.000m3 nước đã đáp ứng tốt nhu cầu nước cho nhân sinh hoạt và sản xuất vào cuối năm 2012.
Tiếp đó, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương, dự án đưa điện lưới ra đảo đã khánh thành, hòa lưới điện Cô Tô vào tháng 10/2013, có giá trị đầu tư 1.107 tỉ đồng. Khi hai tiêu chí đó được hoàn thành, khó khăn thứ ba là hệ thống giao thông đường thủy cũng được giải quyết nhanh chóng, lượng khách đến với đảo tăng nhanh qua từng năm. Mỗi năm, Cô Tô đón gần 170 ngàn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 2 trăm tỉ. Nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân huyện đảo với đất liền cũng theo đó tăng lên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tàu cao tốc, rút ngắn thời gian đi lại, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, từ 2 - 3 chuyến tàu mỗi ngày đã nâng lên 20 - 30 chuyến/ngày (vào ngày cao điểm).
Bên cạnh việc tập trung phát triển dịch vụ du lịch, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong quá trình xây dựng NTM, huyện Cô Tô cũng hết sức chú trọng việc phát triển khai thác thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề trên đảo được đầu tư hơn 400 tỉ đồng đã trở thành nơi neo đậu, tránh bão của hàng ngàn ngư dân đánh bắt trong vùng biển Cô Tô. Sau khi khu dịch vụ tại đây đi vào hoạt động, khu vực hậu cần nghề cá sẽ là nơi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như dầu diezel, nước ngọt, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp… cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt hải sản, bám biển dài ngày và trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.
Xác định rõ nâng cao thu nhập cho người dân được cho là tiêu chí quan trọng nhất trong bộ tiêu chí, huyện đảo Cô Tô với phương pháp khuyến khích từ việc ban hành các quy chế hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở kết hợp đón khách du lịch và hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện trong vòng 5 năm, người dân vừa có nguồn thu nhập ổn định vừa nâng cao được đời sống sinh hoạt, đưa tăng trưởng bình quân ước đạt mức 13,35%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 900 USD năm 2010 lên 2.050 USD năm 2014; tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh qua từng năm, năm 2010 là 7,6%, đến cuối năm 2014 chỉ còn 0,49%; 100% trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I.
Đồng chí Hoàng Bá Nam - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết: Với phương châm “Củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng”, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo hai xã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM ngoài việc giữ vững các tiêu chí cần nâng tầm thôn, xã văn minh, hướng đến mục tiêu huyện nông thôn mới tiên tiến và sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 2 công trình trọng điểm, bao gồm: Xây dựng tuyến đường xuyên đảo và quy hoạch, xây dựng cảng tàu du lịch Cô Tô. Huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới tổ chức sản xuất, tái cấu trúc nền sản xuất nông nghiệp; Tiếp tục thực hiện Đề án 25 của Tỉnh ủy Quảng Ninh để nâng cao chất lượng cán bộ nhằm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn.
Có thể nói, kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo đà cho sự phát triển chung của huyện đảo. Bài học về sự quyết tâm, sáng tạo trong lãnh đạo chỉ đạo, về việc xác định đúng mục tiêu, lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện của địa phương đã được rút ra trong 5 năm thực hiện. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Cô Tô đang từng bước phấn đấu trở thành Trung tâm du lịch chất lượng cao, trở thành đô thị sinh thái biển hiện đại, thông minh, một trong những trọng điểm về kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước và của tỉnh Quảng Ninh./.
Thu Hằng