Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giá điện theo 2 thành phần công suất và điện năng
(ĐCSVN) - Theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá điện theo 2 thành phần công suất và điện năng, điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giá điện theo 2 thành phần công suất và điện năng (Ảnh: A.N) |
Tại Việt Nam, biểu giá bán điện từ năm 2007 đến nay được phân theo các ngành, cấp điện áp, theo giờ cao - thấp điểm và biểu giá điện sinh hoạt được chia theo bậc thang. Nhưng mới đây, Bộ Công thương vừa công bố, lấy ý kiến góp ý về dự thảo đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, Bộ Công thương cho rằng các chính sách hiện hành về giá điện đảm bảo bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 140,2 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 73%/27%. Giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,3 tỉ USD cho nguồn và 3,4 tỉ USD cho lưới).
Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2045.
Theo Bộ Công thương, nhiều nước trong khu vực đều đã và đang trong tiến trình cải tổ ngành điện. Giá điện minh bạch, rõ ràng theo từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, biểu giá bán điện từ năm 2007 đến nay được phân theo các ngành, cấp điện áp, theo giờ cao - thấp điểm và biểu giá điện sinh hoạt được chia theo bậc thang. Bộ Công thương cũng nhận định trong bối cảnh hiện nay biểu giá điện bậc thang là hợp lý nhất, phù hợp với đặc điểm của sản xuất kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.
Dự thảo Đề án hướng đến việc tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện (như đã đề ra tại Quyết định 28/2014/QĐTTg. Theo đó quy định hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Nếu mức hỗ trợ này còn thấp sẽ có thể xem xét tăng lên 50 kWh/tháng.
Dự thảo Đề án của Bộ Công Thương cũng đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng; xem xét thu phí cố định hàng tháng; đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi; xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện…/.