Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Những điểm mới về hệ thống giáo dục, loại hình nhà trường
(ĐCSVN) - Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, tính chất mở và liên thông của hệ thống được thể hiện như thế nào? Tại sao cần thiết sửa đổi, bổ sung loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân? Những điểm mới sửa đổi, bổ sung về giáo dục thường xuyên trong dự thảo Luật?... Những vấn đề này được Bộ GD&ĐT giải đáp.
- Vì sao cần sửa đổi bổ sung quy định về Hệ thống giáo dục quốc dân?
Luật Giáo dục hiện hành mới chỉ liệt kê các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD), chưa thể hiện cơ chế vận hành, liên kết giữa các bậc học của hệ thống GDQD.
Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết kế hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; quy định chuẩn đầu ra của cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với Khung trình độ quốc gia và tiếp cận khung năng lực quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
- Tính chất mở và liên thông của hệ thống được thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật?
Xu hướng giáo dục hiện đại phải mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người được học tập trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào và phương pháp giáo dục; chú trọng việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Quy định mới khẳng định: hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; hệ thống phải được vận linh hoạt, liên thông theo cả 2 hướng: Liên thông dọc (giữa các cấp học và trình độ đào tạo) và Liên thông ngang (giữa các hình thức học/đào tạo).
Việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn được thực hiện tại các cơ sở GDTX, các thiết chế văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…
Hình thức học cũng đa dạng, phong phú, mở ra nhiều cơ hội cho người học có thể tiếp cận giáo dục tùy điều kiện, hoàn cảnh mỗi cá nhân;
Việc sửa đổi này bảo đảm tính thống nhất giữa mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục với tính chất của hệ thống giáo dục Việt Nam; cập nhật các xu hướng giáo dục hiện đại; phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
- Những điểm mới sửa đổi, bổ sung về giáo dục thường xuyên trong dự thảo Luật?
Trong dự thảo Luật Giáo duc đã quy định thêm: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. (tại Điều 4, Điều 5)
Bổ sung nội dung về chính sách phát triển GDTX: Thúc đẩy việc học tập của người lớn. (Việc bổ sung quy định thúc đẩy việc học tập của người lớn thông qua giáo dục thường xuyên phù hợp với xu hướng quy định của luật giáo dục của một số quốc gia trên thế giới.);
Bên cạnh đó cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức: có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thường xuyên học tập, bồi dưỡng để phát triển bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống. (tại Điều 35)
Quy định về các chương trình GDTX là rất mở, đa dạng, linh hoạt… đáp ứng mọi nhu cầu thực tế của người học. (tại Điều 36)
Quy định mới sửa đổi, bổ sung cho phép cơ sở GDTX được tổ chức linh hoạt, đa dạng theo loại hình công lập và ngoài công lập để phù hợp với nhu cầu của người học và điều kiện thực tế các địa phương;
Hình thức học cũng đa dạng, phong phú, mở ra nhiều cơ hội cho người học có thể tiếp cận giáo dục tùy điều kiện, hoàn cảnh mỗi cá nhân
Việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn được thực hiện tại các cơ sở GDTX, các thiết chế văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…; (tại Điều 37).
Văn bằng, chứng chỉ GDTX được nhà nước đảm bảo, công nhận về mặt pháp lý (y như GD chính quy - căn cứ việc đánh giá chung kết quả theo chuẩn đầu ra để được cấp văn bằng theo trình độ đào tạo tương ứng). (tại Điều 38)
- Tại sao cần thiết sửa đổi, bổ sung loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân?
Quy định hiện hành chỉ quy định loại hình trường công lập đối với các bậc học và trình độ đào tạo; loại hình trường dân lập đối với giáo dục mầm non và trường tư thục với các cấp học và trình độ đào tạo; còn thiếu loại hình trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Nhằm thể chế hoá các loại hình nhà trường đã có trên thực tế và phân định rõ loại hình nhà trường, qua đó đảm bảo quản lý nhà nước, dự thảo chia loại hình nhà trường thành 2 loại là trường công lập và trường ngoài công lập, trong đó trường ngoài công lập bao gồm trường dân lập đối với giáo dục mầm non; trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận đối với tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.
Quy định chế độ khuyến khích phù hợp với từng loại hình trường và quy định cơ chế chuyển đổi giữa các loại hình trường theo hướng dẫn của Chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động giáo dục, góp phần mở rộng “quốc tế hóa” giáo dục và thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
- Quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn của cơ sở giáo dục ngoài công lập được quy định như thế nào trong dự thảo luật?
Dự thảo sửa đổi từ tài sản thuộc sở hữu của thành viên góp vốn thành tài sản thuộc sở hữu của nhà trường để phù hợp với Bộ Luật Dân sự 2015 về pháp nhân (theo Bộ Luật Dân sự 2015 thì một trong những dấu hiệu để một tổ chức là pháp nhân là tổ chức đó phải có tài sản riêng, độc lập với tài sản của các tổ chức cá nhân khác và pháp nhân đó chịu trách nhiệm vật chất bằng tài sản đó trước người thứ ba), cụ thể sửa lại Điều 67 Quyền sở hữu tài sản và chuyển nhượng vốn theo hướng: Tài sản, tài chính của trường ngoài công lập thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường.
Tài sản, tài chính của trường ngoài công lập được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Tài sản thuộc sở hữu của trường tư thục được hình thành từ vốn góp của các thành viên, được xác định bằng biên bản góp vốn của các cổ đông và ghi trong điều lệ nhà trường.
Các cổ đông có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định. Ngoài ra để đảm bảo sự ổn định của nhà trường, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của học sinh, dự thảo giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc rút vốn, chuyển nhượng vốn đối với trường ngoài công lập.
Dự thảo sửa đổi quy định này để tách bạch/phân định rõ tài sản của nhà trường với tài sản của cổ đông/thành viên góp vốn/ nhà đầu tư/nhà tài trợ; thừa nhận tài sản thuộc sở hữu của trường không làm mất quyền của cổ đông/ thành viên góp vốn/nhà đầu tư thành lập trường. Về nguyên tắc, những người này vẫn là chủ sở hữu trường.
Dự thảo sửa đổi quy định này nhằm để tách bạch hoạt động tài chính - tài sản của trường với hoạt động tài chính- tài sản của doanh nghiệp đầu tư thành lập trường. Do các cơ sở giáo dục ngoài công lập được hưởng các chỉnh sách ưu đãi của nhà nước như ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai nên cần phải tách bạch giữa tài sản của trường và nhà đầu tư để minh bạch, tránh lạm dụng chính sách ưu đãi./.