Du lịch Việt Nam: Cơ hội và thách thức
(ĐCSVN) - Những số liệu về lượng khách, doanh thu du lịch tháng 1/2023 cho thấy hoạt động du lịch cơ bản đã vượt qua khó khăn sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng du lịch Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển; hướng đến mục tiêu năm 2023 đón 110 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Tháng đầu tiên của năm 2023 ghi dấu sức vươn của du lịch Việt Nam với sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách nội địa và khách quốc tế. Cụ thể, thông tin do Tổng cục Du lịch công bố cho biết, tháng 1/2023, Việt Nam đón lượng khách nội địa ước đạt 13 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 4,5 triệu lượt khách lưu trú. Đây là lượng khách nội địa cao nhất trong 5 năm trở lại, tính từ 2018 khi Tổng cục Du lịch cung cấp số liệu thống kê lượt khách từng tháng.
Đoàn khách du lịch quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết. |
Cùng với đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2023 là gần 872.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022 và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2023 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, kết quả trên có được là do một số địa phương trọng điểm du lịch như Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… đã chủ động phối hợp cùng hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways phối hợp cùng một số tỉnh/thành phố tổ chức sự kiện chào đón những vị khách quốc tế tới "xông đất" đầu năm; tổ chức các hoạt động chào mừng tại sảnh sân bay, ga tàu và lì xì năm mới. Qua đó, tạo sự hứng thú cho du khách, đồng thời tiếp tục khẳng định hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện.
Đồng thời, tháng 1/2023 cũng là thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (kéo dài 6 ngày). Các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng, chỉnh trang các khu, điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút du khách, làm nổi bật đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong dịp đầu năm. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách đã chủ động thực hiện nghiêm túc việc bình ổn giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, tạo được ấn tượng xấu đối với du khách. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ lễ này, toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022).
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và cơ bản đã vượt qua khó khăn sau thời gian 2 năm chịu tác động của dịch bệnh. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình. Đây được coi là cơ hội để du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng du lịch Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Tuy đón gần 872.000 lượt khác quốc tế trong tháng 1/2023 nhưng lượng khách này vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Du lịch nội địa vẫn là thị trường kỳ vọng tiếp tục “bùng nổ”; là động lực tăng trưởng chính của ngành du lịch. Song, số lượng khách nội địa lưu trú không cao, dẫn đến giảm tổng thu từ khách du lịch. Đơn cử như theo thống kê, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão (từ 29 đến mùng 5 Tết), toàn quốc có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng khách lưu trú chỉ có 2 triệu lượt, giảm 37,5%, công suất phòng trung bình khoảng 45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Du khách đến du xuân tại Khu du lịch Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lê Hoàng. |
Bên cạnh đó, “cái khó” của du lịch nội địa hiện nay đó là tỷ lệ khách đi tour trọn gói, khách lưu trú dài ngày, chi tiêu của khách và tỷ lệ kín phòng đang có xu hướng giảm. Đồng thời, tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện hữu khá rõ trong bối cảng nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Đây là trở lực lớn cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong năm 2023. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng chỉ ra rằng, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực…
Mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam đặt ra trong năm 2023 đó là phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Theo dự báo, năm 2023 sẽ đan xen thuận lợi và khó khăn đối với du lịch Việt Nam. Mục tiêu này chỉ có thể được hiện thực hóa trên cơ sở tranh thủ những cơ hội, khắc phục những thách thức để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững. Trọng tâm là tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng của du lịch nội địa, thực sự là “trụ cột”, động lực chính của toàn ngành. Cần nâng cao chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách; mở rộng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch… Đồng thời, gia tăng sức thu hút đối với du khách quốc tế thông qua việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi đi lại đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam… Qua đó, giúp du lịch Việt Nam từng bước phục hồi, phát triển toàn diện./.