Dự án nhà chờ xe buýt nhanh Hà Nội liệu có hiệu quả?
(ĐCSVN) - Được khởi công ngày 4/3/2014, với mức đầu tư khoảng 55 triệu USD, dự án tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT (từ bến xe Yên Nghĩa tới bến xe Kim Mã) được kỳ vọng là bước đột phá của giao thông Thủ đô. Nhưng cho đến nay, sau gần hai năm triển khai, dự án này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Nằm trên dải phân cách giữa đường tại ngã tư Hoàng Minh Giám và Lê Văn Lương, “Trạm Nguyễn Tuân” là nhà chờ xe buýt nhanh (mẫu) đầu tiên được hoàn thành sau gần hai tháng khởi công. Đây là một địa điểm nằm trong chuỗi 21 nhà chờ tuyến buýt nhanh Hà Nội BRT, do Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội thực hiện.
Theo dự án, nhà chờ mẫu này được thiết kế với đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế, với bề rộng 5 m và tổng diện tích 129 m2. Nhà chờ đáp ứng được lưu lượng khách lớn, đường vào có độ dốc hợp lý dành cho người khuyết tật, đi xe lăn. Cốt nền nhà chờ tại đây được tôn cao để tạo độ bằng phẳng với sàn xe buýt vào đón khách. Điều này giúp hành khách đi xe dễ dàng di chuyển vào trong xe.
Với nhiều công năng mới, mô hình nhà chờ này giúp cho thời gian di chuyển của hành khách được tiết kiệm tối đa thông qua hệ thống tự động bán vé, soát vé, quẹt thẻ. Dự án tuyến xe buýt nhanh được đánh giá là phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội và sẽ được đưa vào sử dụng từ quý 2 năm 2015.
Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần hiện đại hóa bộ mặt giao thông công cộng của Thủ đô khi đưa vào hoạt động, tuy nhiên, cho đến nay, không chỉ chậm tiến độ, dự án còn đang bộc lộ rất nhiều điều bất hợp lý trong việc thi công và bảo quản.
Một số người dân Thủ đô đã có ý kiến về hiệu quả và sự an toàn của chuỗi nhà chờ này.
Bạn Trần Thanh Hải, sống tại khu vực Lê Văn Lương đưa ý kiến: Tôi mong muốn dự án này sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Điều này sẽ góp phần giảm tải các loại phương tiện giao thông cá nhân. Thời gian thi công đã gần hai năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng là điều hết sức khó hiểu. Việc xây dựng xong bỏ không như hiện trạng là điều vô cùng lãng phí!
Bạn Nguyễn Thanh Lan, sinh viên một trường đại học gần khu vực này nhận xét: Em không hiểu tại sao lại thiết kế nhà chờ xe buýt nằm giữa làn đường? Nếu nhà chờ này thiết kế giúp cho người khuyết tật dễ dàng lên xuống xe buýt mà không cần nhờ đến những người xung quanh, vậy làm thế nào họ lên được cầu vượt và tiếp xúc với lối dẫn vào nhà chờ này? Còn những điểm không có cầu vượt đi bộ dẫn vào nhà chờ thì việc băng qua làn đường là một thử thách, với người bình thường còn khó chưa nói đến người khuyết tật? Việc đầu tư này liệu có mang lại hiệu quả như mong muốn?
Một điều đáng chú ý khác là sự xuống cấp nghiêm trọng ở một số nhà chờ sau khi hoàn thành - điều mà ai cũng có thể thấy trên dọc tuyến xe buýt này. Hậu quả là từ việc thiếu sự bảo quản, trông coi tại các công trình này sau khi hoàn thành.
Quan sát tại một nhà chờ trên phố Lê Văn Lương, đó là những lớp bụi bẩn dày đặc bám trên mặt kính. Phần nền của một số nhà chờ giờ đây đã biến thành nơi tập kết của rác thải hoặc vật liệu xây dựng, một số nơi thậm chí biến thành toilet “bất đắc dĩ” của những người qua đường. Ngoài ra, rất nhiều ốc vít và những thanh thép tại đây bắt đầu có hiện tượng hoen rỉ, bong tróc sơn.
Bác Lê Bá Hùng, sống gần khu vực này chia sẻ: Mặc dù chưa đưa vào sử dụng, nhưng có thể thấy công trình đang xuống cấp hàng ngày. Ốc, vít tại đây đã bắt đầu hoen rỉ. Cửa kính hầu như không đóng, ai cũng có thể ra vào. Mỗi khi mưa gió, nước hắt vào bên trong đọng thành vũng lớn, nhìn rất nhếch nhác. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn! Không thể biết được với tình trạng xuống cấp này, khi đưa vào sử dụng có còn đảm bảo an toàn hay không?
Theo dự án, đây là tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội. Tuyến thí điểm này sẽ chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Xem xét về tính hiệu quả mà dự án sẽ mang lại, Tiến sĩ chuyên ngành giao thông đô thị Lê Xuân Thủy nhận xét: Việc đầu tư số tiền lên tới 55 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) cho một dự án chỉ để khai thác thí điểm xe buýt nhanh trên đoạn đường cắt khúc dài gần 15 km từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã là quá lãng phí!
Không có người trông coi, bảo quản, thi công không đồng bộ, thiếu hợp lý, cộng thêm sự xuống cấp đang xảy ra ở hầu hết tại các nhà chờ đã được hoàn thành.
Hệ thống nhà chờ xe buýt nhanh với mức đầu tư ngàn tỷ nằm trên tuyến phố Lê Văn Lương đang tạo ra một hình ảnh nhếch nhác, thiếu đồng bộ cho bộ mặt đô thị. Với những bất cập như trên, khi đưa vào sử dụng, liệu dự án này có mang lại hiệu quả như mong đợi?
Vũ Hoàng (CTV)