Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát Thường trực HĐND Thành phố
(ĐCSVN) - Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị cần bổ sung về cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của Thường trực HĐND Thành phố khi thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian HĐND Thành phố không họp, tránh tình trạng lạm dụng khi ra quyết định.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần đầu tiên được đưa ra thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật một mặt phải bám sát các cơ sở chính trị về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013; mặt khác phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng giao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Theo ông Đỗ Đức Hiển, dự án Luật lần này được chuẩn bị kỹ, với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực; các cơ chế, chính sách được thiết kế khá rõ ràng, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô hiện hành, luật hóa các nội dung đã, đang thí điểm tại Hà Nội và một số địa phương khác, đồng thời có những chính sách để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là “trái tim” của cả nước.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QH |
Với tinh thần kiến tạo một nền tảng thể chế hoàn chỉnh hơn để phát huy được những giá trị lịch sử, qua đó phát triển Thủ đô bền vững, mạnh mẽ hơn, đại biểu Đỗ Đức Hiển tham gia một số ý kiến nhằm hoàn hiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Về tổ chức chính quyền đô thị, đại biểu nêu rõ: So với Luật Thủ đô hiện hành và Pháp lệnh Thủ đô năm 2000, một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật Thủ đô là việc bổ sung các quy định về “Chính quyền tại Thủ đô” tại Chương II, tập trung vào 02 nhóm nội dung: (1) luật hóa mô hình chính quyền đô thị và bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn dành riêng cho các cấp chính quyền thành phố Hà Nội về tổ chức bộ máy khác với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; (2) bổ sung quy định đặc thù về biên chế và chế độ công vụ, công chức trên địa bàn Thành phố.
“Có thể thấy rằng, các quy định này thể hiện khá rõ yêu cầu của việc xây dựng Luật lần này là không chỉ chú trọng các chính sách, cơ chế ưu đãi cho Hà Nội mà còn phải bảo đảm cả về nguồn lực về bộ máy, con người để thực hiện trên tinh thần cải cách hành chính”, đại biểu nói.
Cơ bản tán thành các quy định này của Dự thảo, song đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị:
Thứ nhất, về việc giao Thường trực HĐND Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian HĐND Thành phố không họp (khoản 4 Điều 9), đại biểu cơ bản tán thành với quy định này để tăng cường sự chủ động của chính quyền Thành phố trong việc quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cần bổ sung về cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của Thường trực HĐND Thành phố khi ra quyết định, tránh lạm dụng. Riêng đối với việc quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ một số hoạt động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật cần cân nhắc bổ sung quy định về giới hạn về định mức hỗ trợ cụ thể để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Thứ hai, về quy định thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng (điểm b khoản 1 Điều 9) và quy định cho phép người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm (tại khoản 2 Điều 16), dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu, đại biểu cho rằng việc quản lý biên chế đang được thực hiện tập trung, thống nhất theo Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị (bao gồm cả việc sử dụng biên chế dự phòng khi cần thiết) nên quy định của dự thảo Luật có thể dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền và không bảo đảm thống nhất trong thực hiện.
Do đó, để tạo cơ chế để thành phố Hà Nội được chủ động hơn về nguồn lực đáp ứng yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đồng thời thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế, đại biểu cho rằng cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền và nghiên cứu chỉnh lý các quy định này theo hướng cho phép Thành phố được thực hiện như tinh thần tại khoản 2 Điều 16 nhưng cần bổ sung quy định trách nhiệm của HĐND Thành phố trong việc xác định lĩnh vực, vị trí việc làm cần được tăng cường nguồn lực thông qua hình thức hợp đồng; đồng thời, quy định khống chế một tỷ lệ nhất định trong tổng ngân sách chi thường xuyên của từng cấp để phục vụ cho mục đích này.
Với cách quy định này, đại biểu cho rằng, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, chính quyền Thành phố sẽ chủ động quyết định số lượng người làm việc cụ thể của cơ quan, đơn vị trên địa bàn một cách linh hoạt, minh bạch hơn và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách nhà nước, đồng thời cũng phù hợp với chủ trương được xác định tại Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị, theo đó ngoài số biên chế đã được xác định ổn định cho mỗi giai đoạn 5 năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp cần thiết cần tăng biên chế từ nguồn dự phòng, chính quyền Thành phố báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định hiện hành của Đảng.../.