Đồng thuận cao để xây dựng nông thôn mới bền vững
Tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể quán triệt sâu sắc và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Qua đó, người dân ý thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình để đồng thuận, trách nhiệm cao, chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo đó, chính quyền các cấp, các ngành tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao; khai thác hiệu quả lợi thế vùng miền, tạo đột phá phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Cấp ủy, Ban chỉ đạo các cấp chủ động, sâu sát cơ sở, đôn đốc, nhắc nhở, nắm bắt ý kiến, nguyện vọng, khó khăn của người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ; gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức; thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, thôn, xóm; ban hành đồng bộ hệ thống các quy hoạch, đề án, cơ chế, chính sách, tạo động lực mạnh mẽ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, kết quả đạt được về phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh mới có 13/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 6,28%.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, sản xuất của nhân dân vùng cao, biên giới còn lạc hậu; địa bàn rộng, dân cư bố trí không tập trung dẫn đến việc thực hiện một số tiêu chí gặp khó khăn như tiêu chí giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa… Công tác tuyên truyền chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nên chưa làm chuyển biến được nhận thức của nhân dân, đặc biệt là vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy nên một bộ phận không nhỏ người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp, nhất là nguồn vốn ngân sách của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu; sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp còn thấp do các doanh nghiệp của Lạng Sơn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp nên khả năng huy động sức dân còn hạn chế; hình thức tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn chưa có sự thay đổi rõ nét, đa phần nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình sản xuất tập trung có hiệu quả cao để tạo sức lan tỏa…
Cũng theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, nguyên nhân của những khó khăn trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc đặt ra mục tiêu và còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Việc đánh giá thực trạng, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí ở nhiều cấp xã, huyện chưa sát với thực tế, ảnh hưởng lớn tới việc xác định nội dung, công việc, lộ trình thực hiện; đặc biệt một số nơi, trong chỉ đạo còn nặng về phong trào bề nổi, chưa quan tâm hoàn thiện thực chất các tiêu chí. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…/.