Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng Nai: Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Thứ Hai, 31/10/2022 14:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thời gian qua, chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp địa phương. Từ nay đến hết năm 2022, Đồng Nai tiếp tục triển khai các giải pháp để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Từ nay đến hết năm 2022, Đồng Nai tiếp tục triển khai các giải pháp để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng (Ảnh minh họa: A.T)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà. Tổng đàn heo khoảng 2,64 triệu con với chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn (1.121 trang trại); tổng đàn gà khoảng 25,9 triệu con, với chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn (306 trang trại).

Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Trong đó, đã hình thành được 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi sản phẩm chế biến từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Đặc biệt là chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 180 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra còn có các chuỗi chăn nuôi khép kín của các doanh nghiệp trên địa bàn; hằng năm các chuỗi này cung cấp cho thị trường 262.262 tấn thịt heo, 67.816 tấn thịt gà, 1.888 tấn thịt bò.

Cùng với những kết quả trên, hiện trên địa bàn tỉnh có 149 trang trại và 7 Tổ hợp tác có sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận VietGAP với sản lượng 109.419 tấn thịt heo/năm (chiếm 26% tổng sản lượng); 54.723 tấn thịt gà/năm (chiếm 30% tổng sản lượng) và 217.500 nghìn quả trứng thương phẩm (chiếm 19,5% tổng sản lượng trứng cả tỉnh). Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 655 trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh; xây dựng và duy trì 5 vùng cấp huyện và 11 cơ sở cấp xã an toàn dịch bệnh với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đó là giá giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao làm tăng giá thành sản xuất, trong khi đó giá bán sản phẩm không ổn định. Sản phẩm chế biến còn chiếm tỷ lệ thấp nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm.

Cùng với đó, tỷ trọng sản phẩm sản xuất theo chuỗi chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện nay chủ yếu là chuỗi khép kín của các doanh nghiệp (chiếm khoảng 50%). Các cơ sở không tham gia chuỗi khó cạnh tranh được với các chuỗi kép kín của các doanh nghiệp do giá thành sản xuất cao và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Các Hợp tác xã chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hiện nay đa số các Hợp tác xã còn hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, hoạt động, chủ yếu thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào cho thành viên, chưa thực sự làm tốt việc tổ chức dịch vụ khác.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, từ nay đến hết năm 2022, nhằm khắc phục những khó khăn, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thông qua việc bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chủ động giám sát các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tiếp tục xây dựng mới và duy trì các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để chỉ đạo kịp thời trong tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường cho người dân để có kế hoạch sản xuất hợp lý, đảm bảo cung – cầu.

Đặc biệt là khuyến khích, thúc đẩy liên kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo hình thức hợp tác, liên kết; sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn; kiểm soát chặt chẽ về xử lý môi trường trong chăn nuôi theo quy định; xây dựng các vùng chăn nuôi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm nhằm góp phần phần triển chăn nuôi bền vững.

Mặt khác, xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc thù cho chăn nuôi nông hộ thông qua liên kết với doanh nghiệp như: sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản phẩm chứng nhận VietGAHP, sản phẩm chăn nuôi sử dụng thức ăn thảo dược,…

Ngoài ra, địa phương sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi để tự động hóa các khâu trong sản xuất nhằm giảm nhân công lao động, hạn chế rủi ro về dịch bệnh, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải; các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng; tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, cập nhật thường xuyên, kịp thời để định hướng sản xuất hiệu quả./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN