Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng Nai: Tai nạn giao thông địa bàn nông thôn diễn biến phức tạp

Thứ Bảy, 09/01/2016 19:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trong năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 343 người, bị thương 311 người. Trong đó, tai nạn giao thông xảy ra ở địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ cao, với gần 300 vụ, chiếm 67,7%, khiến 224 người chết và 212 người bị thương.

Ngã tư Amata mặc dù đã có cầu vượt nhưng thường xuyên ùn tắc
giao thông, đây là "điểm nóng" của thành phố Biên Hòa, Đồng Nai ( Ảnh: K.V)

Như vậy, mặc dù tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong năm 2015 đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể là giảm gần 8% số vụ tai nạn, gần 16% người chết và gần 8% người bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn lại chiếm tỷ lệ cao với 67,7% số vụ tai nạn giao thông.

Các địa phương xảy ra nhiều tai nạn giao thông tại các đường nông thôn như huyện Định Quán, Vĩnh Cửu.v.v…,tại huyện Vĩnh Cửu, dù không có quốc lộ đi qua nhưng địa bàn huyện có rất nhiều tuyến đường liên xã phức tạp về tình hình an toàn giao thông. Trong năm 2015, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, nhất là trên đường Đồng Khởi đoạn qua xã Thạnh Phú luôn trong tình trạng mật độ lưu thông đông đúc. Tại đây có nhiều công ty hoạt động kinh doanh - sản xuất nên mật độ dân cư cũng tăng lên nhanh chóng, lượng phương tiện tham gia lưu thông qua đây khá lớn.

Theo ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, hoàn chỉnh về hạ tầng lẽ ra sẽ giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, nhưng tai nạn thời gian qua vẫn cao. Ngoài nguyên nhân do đường chật hẹp, thiếu các biển cảnh báo, chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông chưa cao. Chủ yếu thời gian xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường này từ 12h đến 18h, chiếm 31,7% và từ 18h đến 22h, chiếm 41,6%. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông được xác định chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như thiếu quan sát, chuyển hướng không báo tín hiệu, vi phạm tốc độ, uống rượu bia say vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông…,trong năm 2015, tai nạn đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã xảy ra 3 vụ, làm chết 9 người, bị thương 2 người; tai nạn giao thông rất nghiêm trọng 22 vụ, làm chết 35 người và 36 người bị thương, cho thấy tình hình tai nạn giao thông ở Đồng Nai vẫn hết sức phức tạp.

Đồng Nai hiện có hơn 1,8 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, đứng thứ 3 cả nước, trong đó lượng xe máy chiếm hơn 90%. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại, phương tiện đăng ký mới của người dân tăng khá nhanh, trung bình 7,7%/năm. Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính nên nhiều tuyến giao thông quan trọng qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và một số đường tỉnh luôn trong tình trạng mật độ lưu thông đông, phức tạp. Vì vậy, áp lực giao thông là rất lớn, trong khi cơ sở hạ tầng, đường sá tuy có đầu tư, sửa chữa và nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thời gian qua, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông, ngăn chặn việc mở đường nhánh trái phép, xử lý kịp thời các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được chú trọng giải quyết. Tỉnh này cũng đã chi gần 100 tỷ đồng để xử lý 91 “điểm đen” thường xảy ra tai nạn và những vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tổ chức kiểm tra chất lượng của 152 công trình giao thông, lắp đặt thêm 24 hệ thống đèn tín hiệu và sơn vạch kẻ đường trên 7 tuyến đường tỉnh với mục đích tạo thuận lợi cho việc lưu thông của người đi đường. Ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa cho biết, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông luôn được địa phương thực hiện quyết liệt. Thành phố Biên Hòa đã đưa vào hoạt động hệ thống camera giám sát trên các trục đường chính nhằm nâng cao năng lực giám sát, điều khiển giao thông.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thì, do mật độ giao thông cao, tổ chức lưu thông chưa khoa học dẫn đến khó khăn đối với việc tuyên truyền, tác động đến tinh thần, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật giao thông của người dân. Vì vậy, đầu tư kết cấu hạ tầng phải đi cùng chất lượng, kịp thời bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông trên tất cả các tuyến đường ở Đồng Nai.

Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho nhân dân cũng như vận tải hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp cuối năm. Theo đó, Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai  phải tăng cường thực hiện kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công phải dọn dẹp các vật liệu rơi vãi ra mặt đường, bố trí đầy đủ các biển báo giao thông tại công trường; đồng thời phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động vận tải.

Cùng với đó, Công an tỉnh Đồng Nai phải xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm, tập trung chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung xử phạt các hành vi vi phạm thường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, như: vi phạm quy định về nồng độ cồn; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; phòng, chống đua xe trái phép…

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn trên các tuyến giao thông do địa phương quản lý, giao thông phải thông suốt trong mọi tình huống; đặc biệt phải chú trọng kiểm tra an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn, các địa điểm diễn ra lễ hội…

Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo phải kiểm tra lại kết cấu hạ tầng giao thông ở các địa phương và có biện pháp khắc phục kịp thời các “điểm đen” gây tai nạn. Công tác bảo đảm trật tự lòng lề đường, trật tự đô thị phải được tăng cường xử lý quyết liệt hơn nữa. Các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải tăng cường công tác điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trong năm 2016, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông, giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Theo đó, tất cả các địa phương phải tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, cũng như đẩy mạnh hoạt động điều tra, xử lý vi phạm nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra./..

 

 K.V

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN