Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ Tư, 04/10/2017 21:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 4/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn tiếng nói ngư dân để trực tiếp lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của ngư dân tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành,

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn có quy mô lớn, thu hút hàng trăm ngư dân tham gia được tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

 

Ngư dân trình bày những thắc mắc trong quá trình hoạt động
đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại diễn đàn (ảnh: Ngọc Duyên)

Tại diễn đàn, các ngư dân đã thẳng thắn nêu lên một số vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động. Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cho rằng việc Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) được ngư dân rất quan tâm và ủng hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, một số ngư dân vẫn gặp không ít khó khăn khi làm hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngư dân xã Bình Minh trong quá trình hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu nước ngoài truy đuổi, cản trở, do đó rất cần sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng mỗi khi gặp sự việc này.

Cũng theo ông Hưởng, luồng lạch Cửa Đại thời gian qua bị bồi lấp, gây rất nhiều khó khăn cho tàu cá ra vào, dẫn đến tình trạng các tàu cá công suất lớn của xã Bình Minh phải ra neo đậu tại Đà Nẵng hoặc vào Núi Thành, đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét nhanh chóng nạo vét luồng lạch Cửa Đại để tàu thuyền có thể ra vào dễ dàng.

Đồng quan điểm với ông Hưởng về những vướng mắc trong việc đóng mới tàu cá, ngư dân Nguyễn Văn Cứ (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho biết hơn 1 năm trước ông đã bán con tàu vỏ gỗ để lấy tiền làm vốn đối ứng, hoàn thành thủ tục đi vay đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67. Song đến nay hồ sơ của ông Cứ vẫn chưa được duyệt, gây rất nhiều khó khăn cho ngư dân này…

Một vấn đề khác cũng được ngư dân của huyện Núi Thành và Thăng Bình rất quan tâm là việc triển khai hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP (Quyết định 48) của Chính phủ còn chậm, Quảng Nam yêu cầu ngư dân phải nhắn đủ 7 tin nhắn vị trí tàu trong thời gian tàu hoạt động hơn 15 ngày trên biển qua hệ thống I-com về Tổng đài đặt tại Chi cục Thủy sản thì mới được xem xét, thanh toán tiền hỗ trợ, trong khi 2 địa phương lân cận là Đà Nẵng và Quảng Ngãi chỉ yêu cầu ngư dân nhắn 4 tin nhắn.

Giải đáp những thắc mắc của ngư dân, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam cho biết, việc quyết toán tiền hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ được thực hiện mỗi quý 1 lần.

Theo ông Tấn, thời gian qua, công tác này có sự chậm trễ do số lượng hồ sơ xin hỗ trợ tăng lên gấp 4 lần nên công việc nhiều, thời gian xác minh hồ sơ kéo dài ra. Ngành thủy sản sẽ tập trung tháo gỡ nhanh chóng tình trạng này.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 506 tàu cá có công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ thuộc diện được hưởng tiền hỗ trợ từ Quyết định 48 của Chính phủ.

Về vấn đề yêu cầu ngư dân phải nhắn đủ 7 tin nhắn mới được xem xét hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ, ông Tấn cho rằng khi ra quy định này, các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam cũng đã tham khảo và nghiên cứu rất kỹ. Tuy nhiên, hiện nay quy định 7 tin nhắn có thể đã không còn phù hợp nên thời gian tới, ngành thủy sản sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam giảm xuống còn từ 4-5 tin nhắn.

Về việc ngư dân gặp khó khi làm thủ tục vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, ông Tấn cho rằng có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, ngành thủy sản sẽ làm việc với ngư dân chưa hoàn thiện được hồ sơ vay vốn và phía ngân hàng để tìm hướng tháo gỡ.

Ông Tấn thông tin thêm, bên cạnh việc ngư dân vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu cá, thời gian qua Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam đã cho 43 trường hợp vay để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp công suất tàu cá với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Đặc biệt, ưu tiên cho đối tượng tàu giã cào, một hình thức đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, vay vốn để chuyển đổi phương thức đánh bắt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phát biểu tại cuộc gặp với các ngư dân, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định tỉnh luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển an toàn. Cụ thể là tỉnh Quảng Nam thường xuyên cập nhật và ban hành cơ chế mới để Quỹ hỗ trợ ngư dân phát huy tối đa tác dụng của quỹ.

Đây là lần đầu tiên diễn đàn tiếng nói ngư dân được tổ chức tại Quảng Nam (ảnh: Ngọc Duyên)

Bên cạnh việc xem xét giảm số lượng tin nhắn để tàu cá hoạt động khơi xa đủ tiêu chuẩn hưởng tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ, ông Lê Trí Thanh yêu cầu ngành thủy sản phải nghiên cứu phản hồi thông tin cho ngư dân sau khi đã nhận được tin nhắn để ngư dân biết được tin nhắn của mình thành công hay chưa.

Về luồng lạch Cửa Đại bị bồi lấp, ông Thanh thông tin hiện Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục công việc nạo vét luồng lạch này. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu nạo vét thêm 1 luồng lạch mới tại khu vực Cửa Đại, lấy cát nạo vét đưa về bổ sung nơi bờ biển Cửa Đại bị sạt lở. Như vậy, nhiều khả năng sắp đến sẽ có 2 luồng lạch Cửa Đại để tàu thuyền dễ dàng ra vào.

Cũng tại diễn đàn lần này, các ngư dân đã được đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 hướng dẫn địa điểm đánh bắt cá an toàn; phổ biến một số nội dung cơ bản của pháp luật trên biển để ngư dân nắm bắt, thực hiện.

Đình Tăng- Ngọc Duyên ​

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN