Đồng bộ các giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, hơn lúc nào hết, thời điểm này cần đồng bộ các giải pháp trợ lực giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững, đó là các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi… cũng như cải thiện môi trường kinh doanh để dễ tiếp cận thị trường.
Ảnh minh hoạ : M.P |
Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra quan ngại, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đánh giá, các số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố mới đây, lại cho thấy thực trạng kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 là rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.
Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%. Giải ngân vốn FDI giảm 0,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, mặc dù có tăng 8,3% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% của 3 tháng đầu năm, tức là tốc độ tăng trưởng cũng đang giảm đi.
“Niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95 nghìn, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88 nghìn, tăng đến 22,6%. Các doanh nghiệp đang hoạt động, thì phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thực tế đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân – một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, trong những năm qua, đang suy yếu”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, doanh nghiệp đang cần gì? Chia sẻ với báo giới, ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhôm Austdoor nói, hiện đơn hàng của Austdoor sụt giảm khoảng 50%, cùng với đó doanh nghiệp đang phải đối mặt khó khăn về dòng tiền. “Khi vay vốn, doanh nghiệp phải dùng tài sản thế chấp và thông thường ngân hàng chỉ cấp được vốn bằng 70% giá trị của tài sản thế chấp. Trong khi đó, lãi suất trung bình hiện nay duy trì trên 10%. Đây là khó khăn rất lớn với doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, khi chịu chi phí vốn cao hơn thế giới”. Ông hi vọng thời gian tới Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về dòng vốn cho doanh nghiệp.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ông Đâụ Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết VCCI có khảo sát về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, cuối năm 2022, doanh nghiệp tư nhân được khảo sát cho biết khó khăn hàng đầu là tiếp cận vốn. Ông Tuấn cho biết, năm 2022, tỉ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ ngân hàng thương mại ở mức 17%, trong khi đó tỉ lệ các năm trước dao động từ 45-60%. Nhận định nguyên nhân thứ nhất là do lãi suất cho vay dù giảm nhưng vẫn có mức trên 10%. Vì vậy, kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn như nhiều giai đoạn trước là rất cần thiết.
Ông Tuấn cho rằng, phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách như kéo giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi suất… hi vọng có thể nhìn thấy khởi sắc vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều biện pháp đã được đưa ra. Có thể kể đến như Chính Phủ thúc đẩy đầu tư công, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời cho phép các TCTD được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp hay Bộ Tài chính thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), cũng nhận định, giảm lãi suất nên là ưu tiên cần tính toán vào thời điểm này. Bởi chỉ khi lãi suất giảm, doanh nghiệp mới bớt được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm cơ hội vượt qua khó khăn. Theo tính toán của ông, với lãi suất bình quân 10% một năm, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp, người dân Việt Nam phải chịu là hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương 12% GDP. Do đó, nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại.
Tuy nhiên theo đánh giá chung “liều lượng” của các chính sách kể trên, còn chưa đáp ứng được yêu cầu, và tiến độ còn chậm trễ. Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, chúng ta cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật “thép”, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan toả trong nền kinh tế. Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, thời điểm này cần chắt chiu từng cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và trụ vững, dù đó chỉ là cơ hội rất nhỏ, đó là các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi…
Ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học Kiểm toán Nhà nước, nói việc sử dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động tích cực giúp người dân có điều kiện sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, thông qua đó kích cầu, thúc đẩy doanh nghiệp thêm điều kiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ, từ đó doanh nghiệp phục hồi, có nguồn thu và quay lại đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này để thực thi chính sách đề ra thì Chính phủ cần quan tâm đến việc điều hành để làm sao chính sách thực sự hiệu quả. Giảm thuế tức là giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng phải làm sao để kích cầu, giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, đóng góp cho ngân sách cũng như các khoản thu khác, từ đó đảm bảo các cân đối của nền kinh tế, đảm bảo kế hoạch thu ngân sách 2023. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cần đồng bộ, toàn diện với các chính sách về tài chính khác để cộng hưởng cho nền kinh tế phát triển tích cực.
Các chuyên gia cũng dự báo khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Trong bối cảnh nguồn lực Việt Nam hạn chế hơn so với các nước phát triển, thêm vào đó là áp lực kiềm chế lạm phát rất lớn và không có nhiều dư địa trong việc bơm tiền hỗ trợ doanh nghiệp, thì cải cách môi trường kinh doanh được coi như một chìa khoá để vượt qua giai đoạn này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vốn đang bị chững lại. "Câu chuyện kiến tạo phục vụ doanh nghiệp, người dân thời kỳ trước đến nhiệm kỳ này không được tập trung chủ yếu vì lo chống rồi phục hồi sau dịch bệnh", ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá. Hiện thủ tục hành chính đang là rào cản lớn ảnh hưởng đến vận hành của doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, để có thể tạo được nguồn lực “đủ mạnh” vực dậy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn cần sự quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành để sớm đẩy nhanh thực hiện các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Với bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, dự báo sản xuất phù hợp và tận dụng tối đa những lợi thế về thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.